Du lịch Đà Nẵng nâng tầm thương hiệu nhờ luôn làm mới hình ảnh

Du lịch Đà Nẵng dần nâng tầm được thương hiệu khi luôn tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ tiện ích, mới mẻ, hướng tới mục tiêu thu hút du khách trở lại.

 Làm mới hình ảnh du lịch

“Bừng tỉnh” sau đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng gồm các công ty lữ hành, cơ sở lưu trú, vận chuyển hành khách đang cùng nhau biến thách thức thành cơ hội. “Đà Nẵng luôn cho chúng tôi thật nhiều bí ẩn và bất ngờ khi đặt chân đến. Mỗi lần trở lại đây, tôi đều có cảm giác mới mẻ”, du khách Hải Yến đến từ Hà Nội chia sẻ.

Trải qua 2 năm sóng gió vì đại dịch, doanh nghiệp coi trọng việc định vị và phát triển thương hiệu điểm đến bằng việc “khoác áo mới” cho các điểm đến, tăng cường sản phẩm, những sự kiện lễ hội phù hợp. Doanh nghiệp du lịch đang tạo đà cho việc phục hồi và bứt phá ở giai đoạn bình thường mới.

“Với riêng Đà Nẵng, giai đoạn này, chúng tôi tập trung dành sự đầu tư quy mô và tâm huyết nhất để “làm mới” thương hiệu du lịch Đà Nẵng, đưa Đà Nẵng trở lại vị thế điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á, một thành phố đáng đến, đáng sống với những trải nghiệm đẳng cấp, khác biệt”, bà Phùng Phạm Thúy – Giám đốc Công viên châu Á (thuộc tập đoàn Sun Group) chia sẻ.

 Hạng mục công trình mới làm nên sức hút của Ba Na hills.

Đó là lý do để thời gian qua Sun Group đã tạo dựng hàng loạt sản phẩm, dịch vụ mới mẻ cho du lịch Đà Nẵng. Điển hình có các hạng mục: Cổng thời gian, thác thần mặt trời, show diễn Trận chiến ở Vương Quốc Mặt Trăng.

Theo ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Liên hiệp Hội Du lịch Đà Nẵng, thời gian qua đơn vị đã xúc tiến, kết nối với cơ quan chức năng đào tạo và tìm kiếm nguồn nhân lực du lịch. Bên cạnh đó, chính quyền hỗ trợ doanh nghiệp đưa vào khai thác các sản phẩm hoàn toàn mới như chương trình tour ngắm cảnh thành phố từ trên cao bằng trực thăng; dù lượn Sơn Trà 18 phút để “chạm bầu trời”; tour vui chơi giải trí dưới nước tại bán đảo Sơn Trà và khu vực tuyến biển Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Trường Sa…

Từ đó, Đà Nẵng đang dần giải quyết được bài toán “thừa chỗ ngủ thiếu chỗ chơi”. Hiện nay, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lưu trú mạnh mẽ bứt tốc, chuyển mình đón đầu xu hướng. Các khách sạn thân thiện môi trường ngày càng được khách hàng ưa chuộng.

Cùng với những sản phẩm và dịch vụ truyền thống, doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng đẩy mạnh truyền thông trực tuyến tăng nhận diện thương hiệu trên các trang mạng xã hội, đặc biệt phát triển cho thị trường quốc tế. Mở rộng dự án trải nghiệm du lịch ảo VR360 “Một chạm đến Đà Nẵng”. Ra mắt sàn giao dịch du lịch trực tuyến đồng thời tăng cường đón các đoàn: KOLs, Presstrip, Farmtrip quốc tế trải nghiệm du lịch Đà Nẵng.

 Dù lượn – sản phẩm mới được các tour khai thác gần đây tại Đà Nẵng.

Các sản phẩm, dịch vụ du lịch của doanh nghiệp Đà Nẵng phát huy được những điểm khác biệt lợi thế lớn riêng có làm trụ cột như: Nghỉ dưỡng biển cao cấp và các hoạt động vui chơi giải trí trên biển, trên bờ, dưới mặt nước. Du lịch văn hóa lịch sử với vị thế là cửa ngõ các di sản thế giới cùng các giá trị về văn hóa bản địa đặc sắc. Định vị của các doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng là điểm đến sự kiện, lễ hội hàng đầu Châu Á.

Chất lượng làm nên uy tín thương hiệu

Bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng nhận định doanh nghiệp du lịch đã chủ động xây dựng phương án truyền thông cho điểm đến. Từng bước hình thành các nhóm chuyên trách khai thác thị trường, làm cơ sở hình thành các doanh nghiệp du lịch mạnh của thành phố. Từ đó, chủ động nguồn khách, nâng cao hiệu quả kinh doanh, phát triển thương hiệu doanh nghiệp bền vững.

Theo đó, với mục tiêu phát triển du lịch MICE, Đà Nẵng có nhiều khách sạn 5 sao quy mô lớn với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại (hơn 700 phòng họp, hội thảo với sức chứa tối đa lên đến 27.400 khách). Chỉ mới mở cửa 3 tháng, thành phố đáng đến này đã được chọn để tổ chức hàng loạt sự kiện: Giải Golf phát triển Châu Á; lễ hội “Tận hưởng mùa hè Đà Nẵng năm 2022”, Diễn đàn phát triển đường bay Châu Á 2022…

Để giữ uy tín chung cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nghiệp lưu trú đã quan tâm đến tu bổ trang thiết bị, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy, coi trọng an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm và thực hiện các quy định về giá bán niêm yết.

Theo đó, để có được đội ngũ nhân viên chất lượng cao, các doanh nghiệp du lịch tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ năng ứng xử phục vụ khách, chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh, cá nhân hóa nhân viên theo từng khách hàng để tăng tính chuyên nghiệp.

 Du khách đến Đà Nẵng được trải nghiệm những sản phẩm du lịch hoàn toàn mới.

Tính đến tháng 6/2022, Đà Nẵng bắt đầu đến mùa hái “quả ngọt” khi hơn 1260 doanh nghiệp du lịch hoạt động trở lại, đạt tỷ lệ 67%. Trong đó 850/1280 cơ sở lưu trú du lịch (chiếm gần 70% cơ sở lưu trú du lịch) với 33.000 phòng, 16 khu điểm du lịch, 210 đơn vị lữ hành, 170 đơn vị vận chuyển với 2.100 xe phục vụ du lịch và 18 tàu du lịch.

Mặc dù mới mở cửa hoạt động du lịch, số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ trong 6 tháng đầu năm ước đạt hơn 1,32 triệu lượt (tăng 33,6%) cùng kỳ 2021; trong đó khách nội địa ước đạt hơn 1,27 triệu lượt, tăng gần 39,5 % so với cùng kỳ 2021; khách quốc tế đạt 57,8 nghìn lượt.

Doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành ước đạt 3,185 nghìn tỷ đồng, đẩy mức tăng doanh thu 6 tháng tăng đến 54% do thu hút được phân khúc khách du lịch có khả năng chi trả cao là khách du lịch MICE, Golf, khách gia đình lưu trú tại các khách sạn từ 3 - 5 sao.

“Thu hút khách quay lại luôn là mục tiêu lâu dài, cơ bản của cộng đồng kinh doanh du lịch Đà Nẵng. Bên cạnh giữ chất lượng, môi trường cộng đồng doanh nghiệp luôn ý thức tự làm mới mình, làm ra nhiều sản phẩm mới đủ sức hấp dẫn qua từng năm để tạo sự sinh động cho đểm đến”, Chủ tịch Liên hiệp Hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng nhận định.

Bảo Hòa