Tỷ lệ 'sài chùa' nội dung bản quyền lớn khiến doanh nghiệp Việt gặp khó

(SHTT) - Một báo cáo nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng, tại Việt Nam có tới 60% người dùng Internet thường xuyên truy cập vào các website có luồng nội dung 'lậu', vi phạm bản quyền. Điều này sẽ là thách thức lớn đe dọa tương lai doanh nghiệp kinh doanh nội dung số trong nước.

Theo một báo cáo mới công bố bởi công ty dịch vụ phân phối Akamai và thủ Đô Multimedia, thị trường OTT sẽ tăng trưởng gấp 3 lần vào năm 2028. Trong đó, Việt Nam với lượng người dùng lên tới 36 triệu tương ứng với khoảng 20% người dùng toàn Đông Nam Á sẽ là nơi có tiềm năng và cơ hội phát triển vô cùng lớn cho thị trường nội dung số.

Tuy nhiên, sự phát triển đầy hứa hẹn này cũng đang gặp phải rào cản lớn khi nghiên cứu này cũng chỉ ra được, có tới 60% người dùng Việt truy cập vào các website có luồng nội dung lậu, vi phạm bản quyền. Theo hội Truyền thông số Việt Nam, báo cáo đã nếu ra thực trạng ở nước ta nhiều năm qua với con số thực sự đáng lo ngại.

 

Chia sẻ với báo chí về vấn đề này, ông Hoàng Đình Trung - Giám đốc Trung tâm Bản quyền số, Hội Truyền thông số Việt Nam cho hay: "Thực tế ở Việt Nam người dùng vẫn có xu hướng thích dùng nội dung không có bản quyền hay nói đúng hơn là nội dung lậu. Việc này gây ảnh hưởng rất lớn đến các đơn vị cung cấp nội dung".

Độ tuổi vi phạm nhiều nhất là 18 - 24 khi tỷ lệ sử dụng nội dung lậu lên tới 65%. Lý do cơ bản là các website lậu sẵn sàng cung cấp nội dung với giá rất rẻ hoặc thậm chí miễn phí chỉ để lấy người dùng, từ đó kiếm lợi nhuận từ việc cài cắm quảng cáo trên các trang này.

Theo các chuyên gia, vi phạm bản quyền là một bài toán mà chưa có một giải pháp triệt để nào, ngay cả những đơn vị có đầy đủ công cụ công nghệ cũng đang gặp khó.

Thống kê của bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy thị trường OTT Việt Nam đã tăng gấp 4 lần so với năm 2020 lên gần 4 triệu người nhưng doanh thu của doanh nghiệp nội chiếm tỷ trọng rất nhỏ.

Nếu vấn đề bản quyền và quản lý không được xử lý triệt để thì cơ hội lớn nhưng khả năng thành công của OTT nội lại không đáng là bao.

Không chỉ đối với OTT, vấn đề vi phạm bản quyền ở tất cả các lĩnh vực đều khiến cho cơ hội phát triển của các ngành bị giảm sút nghiêm trọng, do đó, việc đảm bảo các quyền liên quan tới sở hữu trí tuệ sẽ cần phải đặt lên làm yếu tố trọng tâm trong sự nghiệp phát triển để các doanh nghiệp có thể tiếp tục đi theo con đường lâu dài, bền vững.

Thái An