WTO thảo luận về việc gỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19

(SHTT) - Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã tiến hành các cuộc thảo luận nhằm đạt được sự đồng thuận trong việc dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19.

 Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 12 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) (MC12) đã khai mạc tại trụ sở của WTO ở Geneva (Thụy Sĩ). 

Trong cuộc họp kéo dài 4 ngày này, các nước thành viên của WTO sẽ thảo luận các vấn đề như miễn áp dụng TRIPS (các yếu tố liên quan thương mại trong quyền sở hữu trí tuệ) đối với vaccine ngừa COVID-19, ứng phó với đại dịch, trợ cấp thủy sản, nông nghiệp, an ninh lương thực, cũng như vấn đề cải cách WTO và các chính sách ưu tiên của tổ chức này trong tương lai.

Tổng Giám đốc WTO, bà Ngozi Okonjo-Iweala, nhấn mạnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng như dịch bệnh, thiếu lương thực, biến đổi khí hậu và xung đột trong khu vực. Vì vậy, bà kêu gọi tất cả các bên cùng hợp tác để vượt qua khó khăn.

 

Trong nỗ lực đóng góp nhiều hơn cho cuộc chiến chống đại dịch, ngày 13/6, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tiến hành các cuộc thảo luận nhằm đạt được sự đồng thuận trong việc dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19.

Đây là sáng kiến chống đại dịch chính đang được thảo luận tại Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 12 của WTO (MC12) ở Geneva (Thụy Sỹ). Tuy nhiên, sáng kiến này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ một số quốc gia có đặt các công ty dược phẩm lớn như Anh và Thụy Sỹ, từ đó gây trở ngại cho việc thông qua tại WTO, bởi các quyết định của tổ chức này đều dựa trên sự đồng thuận chứ không phải theo đa số. Các công ty dược phẩm lớn trên thế giới cho rằng việc xóa bỏ các bằng sáng chế sẽ làm tê liệt hoạt động đầu tư và đổi mới, đồng thời nhận định kế hoạch này đã lỗi thời vì thế giới hiện đang dư thừa vaccine.

Vào tháng 3, Mỹ, Liên minh châu Âu, Ấn Độ và Nam Phi đã đạt được thỏa thuận cung cấp miễn trừ bằng sáng chế vắc xin trong ba năm. Nếu thỏa thuận được 164 thành viên WTO chấp nhận, nó sẽ cho phép các nước đang phát triển sản xuất vắc xin Covid-19 mà không bị các nhà phát triển kiện. Tuy nhiên, các nước đang phát triển đã xuất khẩu hơn 10% vắc xin Covid-19 của thế giới không đủ điều kiện để được miễn bằng sáng chế, trong đó có Trung Quốc. Thỏa thuận đánh dấu sự thỏa hiệp so với đề xuất ban đầu được đưa ra vào tháng 10/2020 của Nam Phi và Ấn Độ yêu cầu miễn quyền sở hữu trí tuệ đối với không chỉ vắc xin mà còn cả các loại thuốc và phương pháp điều trị liên quan khác cho Covid-19. Thỏa thuận được thỏa hiệp vẫn chưa được ký kết bởi các bên liên quan chính, chẳng hạn như Anh và Thụy Sĩ.

Phát biểu trước báo giới sau khi kết thúc phiên họp ngày 13/6, người phát ngôn của WTO Daniel Pruzin đã bày tỏ lạc quan  một cách thận trọng về việc đạt được kết quả tại hội nghị.

Theo ông, các cuộc thảo luận vẫn cần tập trung vào việc thiết lập tiêu chuẩn để chọn ra các quốc gia đủ điều kiện được miễn quyền sở hữu trí tuệ.

Trong khi đó, Đại sứ Thụy Sỹ Markus Schlagenhof khẳng định dù không giải quyết hoàn toàn vấn đề, song việc bỏ quyền sở hữu trí tuệ là một phần của giải pháp. Về phần mình, Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Anne-Marie Trevelyan tin rằng thách thức hiện nay là đạt được giải pháp khả thi cho việc bỏ quyền sở hữu trí tuệ mà vẫn hỗ trợ doanh nghiệp và đem lại lợi ích cho chính phủ.

Minh Vân