Đẩy mạnh AI, blockchain, metaverse để phục vụ chuyển đổi số Việt Nam

(SHTT) - Để phục vụ chuyển đổi số trong nước, giới công nghệ thông tin cần đẩy mạnh công nghệ mới như AI, blockchain, metaverse.

 Đến nay, chuyển đổi số đã trở thành một khái niệm phổ biến, một vấn đề nóng từ trong các chương trình nghị sự cấp cao đến những câu chuyện thường ngày của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam VINASA cho thấy, 69% doanh nghiệp được khảo sát không biết lựa chọn đối tác nào để triển khai chuyển đổi số, 72% không biết bắt đầu từ đâu, 92% không biết chuyển đổi số như thế nào.

Chuyển đổi số được xem là một trong những giải pháp then chốt giúp số doanh nghiệp nhỏ và vừa SMEs từ sống sót đến bứt phá sau dịch COVID-19. Để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, VINASA đã thành lập hội đồng chuyên gia xây dựng Khung hướng dẫn Chuyển đổi số cho các doanh nghiệp SMEs bao gồm gần 40 chuyên gia là lãnh đạo cao cấp các doanh nghiệp công nghệ đang dẫn đầu về chuyển đổi số.

 

Tại Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2022, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam cho biết: "Giới công nghệ cần tiếp tục đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng nhanh các công nghệ áp dụng trong chuyển đổi số như trí tuệ nhân tạo, học máy, metaverse, blockchain. Bởi chỉ có đầu tư, đưa chất xám Việt Nam vào mới có sản phẩm Việt cung cấp cho các doanh nghiệp Việt".

Theo ông, những công nghệ mới này đã được áp dụng nhiều trong chuyển đổi số. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp Việt phải sử dụng các sản phẩm từ nước ngoài, chi phí sẽ "đắt không tưởng". Vì vậy, cách tốt nhất là tự phát triển các sản phẩm, nền tảng Việt, phục vụ cho doanh nghiệp Việt.

"Để thực hiện thắng lợi mục tiêu vô cùng thách thức của Thủ tướng Chính phủ, phát triển kinh tế số Việt Nam cần sự hợp lực từ tất cả các cấp chính trị, các thành phần kinh tế. Các nguồn lực của chúng ta hiện không chỉ thiếu, mà còn bị phân mảnh. Hợp lực giữa Bộ ngành với Bộ ngành, Địa phương với Địa phương, Doanh nghiệp với doanh nghiệp, và giữa các thành phần này với nhau sẽ tạo ra được những chương trình bài bản, có định hướng, những chính sách cởi mở, thông thoáng, và những hệ sinh thái số phù hợp, tối ưu cho các cơ quan, tổ chức Việt Nam.

Các doanh nghiệp công nghệ số đang nỗ lực phát triển các nền tảng, các giải pháp chuyển đổi số chất lượng, đầu tư nghiên cứu và đẩy nhanh ứng dụng công nghệ mới: AI, Blockchain…,  và đang nỗ lực hợp lực cùng nhau, xây dựng hệ sinh thái số giúp chuyển đổi số cho các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp. Doanh nghiệp cam kết và luôn sẵn sàng hợp lực cùng Chính phủ, các Bộ, Ngành, Địa phương để phát triển kinh tế số, tăng tốc chuyển đổi số", ông Khoa cho biết thêm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hùng Sơn, Chủ tịch FSI, nhận định: "Muốn chuyển đổi số thành công, các doanh nghiệp công nghệ cung cấp giải pháp chuyển đổi số cũng cần có đất diễn, cần có chính sách hỗ trợ mô hình sandbox cho fintech, thúc đẩy việc giải ngân cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khi có nguồn lực tài chính tốt, doanh nghiệp sẽ có cơ hội thực hiện, đẩy nhanh chuyển đổi số".

Thanh Tùng