Hướng dẫn viên inbound trở lại đường tour - tín hiệu tích cực cho ngành du lịch

Sau khi Việt Nam mở cửa du lịch hoàn toàn, du khách quốc tế bắt đầu quay trở lại. Các hướng dẫn viên inbound (đón khách quốc tế du lịch Việt Nam) có cơ hội trở lại với công việc nhiều năm gắn bó.

Hạnh phúc khi được làm công việc mình yêu thích

Anh Hà Tất Thắng - hướng dẫn viên kỳ cựu tiếng Tây Ban Nha, ngụ ở huyện Nhà Bè, TP.HCM hồ hởi khoe vừa mới đón đoàn khách quốc tế đầu tiên sau 2 năm “ngồi chơi, xơi nước”.

Anh Thắng tâm sự: “Sau dịch Covid-19, lần đầu tiên được trở lại đường tour với những vị khách quốc tế là một đôi bạn trẻ đến từ Mexico, cảm giác thật tuyệt vời. Với tôi, được dẫn tour không đơn thuần là chuyện kiếm tiền mà còn là được thỏa sức với niềm đam mê”.

Anh Thắng đã từng có thời gian làm công chức Nhà nước, sau khi về hưu, anh tiếp tục theo đuổi công việc dẫn tour yêu thích của mình.

Trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát, anh Thắng phải ở nhà, nhưng cũng không quá lo lắng về vấn đề kinh tế do vẫn có lương hưu hằng tháng, cũng như khoản tiền tích lũy trước đó. Anh Thắng không phải chạy xe công nghệ, làm bảo vệ, nhân viên bán bảo hiểm… như nhiều hướng dẫn viên khác, nhưng điều anh buồn nhất là không được làm nghề yêu thích, không được giao lưu văn hóa với các vị khách quốc tế.

HDV Hà Tất Thắng (phải) và các vị khách đến từ Mexico. Ảnh: NVCC 

Anh Huỳnh Duy Hiển - hướng dẫn viên tiếng Anh, ngụ ở Quận 7 vừa đón đoàn khách quốc tế đầu tiên vào hôm 22/3. Những du khách lần này đến khá bất ngờ, họ chủ động liên hệ với anh Hiển qua email và yêu cầu tổ chức tour riêng cho gia đình. Bốn vị khách từ Vương quốc Anh đã đi trải nghiệm sông nước miền Tây, thưởng thức các món ăn địa phương trên thuyền và nghỉ đêm tại TP Cần Thơ.

Anh Hiển chia sẻ những vị khách người Anh rất ấn tượng với chợ nổi Cái Răng và phong cảnh hữu tình tại miền Tây. Dù chỉ gặp gỡ trong 2 ngày nhưng cả khách và hướng dẫn viên đã có không ít kỷ niệm đáng nhớ.

Điều anh Hiển tâm đắc nhất là được quay lại với công việc ưa thích sau quãng thời gian dài phải làm nghề trái tay: Môi giới bất động sản. Dù cho quy mô cũng như số lượng tour hiện vẫn còn khiêm tốn, nhưng đó cũng là tín hiệu tích cực đối với anh Hiển, nhất là trong bối cảnh hiện nay không ít đồng nghiệp của anh đã phải bỏ nghề vì thời gian nghỉ quá lâu.

 Các hướng dẫn viên tặng hoa chúc mừng chị Ngô Thị Tuyết Hằng mở công ty du lịch. Ảnh: Nam Sơn

Chị Ngô Thị Tuyết Hằng - hướng dẫn viên tiếng Anh, ngụ ở Quận 4 cũng đã đón một số đoàn khách quốc tế ngay sau khi Việt Nam mở cửa du lịch hoàn toàn trở lại. Trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát, chị Hằng dành thời gian cho công việc kinh doanh hàng may mặc (cả online lẫn trực tiếp) và công tác thiện nguyện.

Trong bối cảnh du lịch Việt đang có những dấu hiệu tích cực cho sự trở lại, chị Hằng quyết định mở công ty lữ hành của riêng mình. Trong ngày khai trương văn phòng ở Quận 1, nhận được hoa và lời chúc mừng từ các hướng dẫn viên đồng nghiệp, chị Hằng tâm sự: “Hạnh phúc nhất là được dẫn tour, được làm công việc mà mình yêu thích. Tôi mở công ty để phát triển sự nghiệp và tạo cơ hội việc làm cho bản thân cũng như các đồng nghiệp”.

Mong "hồi sinh" khi mở cửa du lịch quốc tế trở lại

Theo anh Huỳnh Duy Hiển, kể từ khi các biện pháp phòng dịch được nới lỏng, có những chương trình thử nghiệm đón khách du lịch thì số lượng các tour và khách cũng tăng dần lên.

Dẫu vậy, do ảnh hưởng của dịch, thu nhập của hướng dẫn viên như anh Hiển vẫn đang giảm gần 40% so với trước đó. Ngày mở cửa, khôi phục các hoạt động du lịch được anh Hiển cũng như các hướng dẫn viên mong chờ hơn bao giờ hết.

Những ngày qua, anh Hiển bận bịu hơn với các cuộc tư vấn cho khách hàng tham gia các tour du lịch nội địa cũng như quốc tế. Đợt này, các tour tại các thị trường quốc tế như Thổ Nhĩ Kỳ, Dubai (UAE)… đang được chào bán và dự kiến sẽ khởi hành ngay trong tháng 4 này.

“Du lịch dần phục hồi trở lại cũng là lúc các hướng dẫn viên được trở lại với đúng công việc yêu thích của mình. Lượng khách cũng bắt đầu nhiều hơn. Chúng tôi mong chờ điều này lắm”, anh Hiển tâm sự.

 Chính sách xuất nhập cảnh và mở cửa đi lại giữa Việt Nam với các nước dần được khôi phục giúp du khách quốc tế đến Việt Nam dễ dàng. Ảnh: Nam Sơn

Theo anh Hà Tất Thắng, trong thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hàng loạt các công ty du lịch phải đóng cửa. Hiện nay, du lịch đã mở cửa trở lại, nhưng rất nhiều nhân sự của ngành công nghiệp không khói đã chuyển sang công việc khác. Chính vì thế, các đơn vị này gặp rất nhiều khó khăn, khi vừa phải tập trung vấn đề kinh doanh, vừa phải lo khâu đào tạo nhân sự.

Trong bối cảnh đó, các công ty, đối tác nước ngoài lại rất muốn tìm hiểu lại thị trường du lịch Việt Nam, xem các dịch vụ bây giờ có còn được như ngày xưa hay không, như chuyện ăn, ở, mua sắm… Xét về bài toán kinh tế, sẽ không hề dễ dàng để các đơn vị lữ hành Việt tổ chức các farmtrip cho các đối tác nước ngoài để tìm hiểu thị trường du lịch của chúng ta.

Anh Thắng nêu ý kiến: TP.HCM nên mở những hội chợ du lịch quốc tế thường xuyên, đặc biệt trong giai đoạn du lịch mới mở cửa trở lại hiện nay. Các hãng du lịch nước ngoài sẽ quan tâm và đến tìm hiểu, rất thuận lợi cho công tác quảng bá hình ảnh du lịch Việt.

Du khách quốc tế trải nghiệm ở Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi. Ảnh: Nam Sơn 

Anh Trần Văn Phát - hướng dẫn viên tiếng Anh quê ở Quảng Ngãi, sinh sống ở TP.HCM, chia sẻ hơn 2 năm qua anh không được làm công việc mình yêu thích. Giờ đây, được trở lại với công việc, anh rất mừng.

Theo anh Phát, chính sách xuất nhập cảnh và mở cửa đi lại giữa Việt Nam với các nước dần được khôi phục. Điều này tạo điều kiện cho việc phục hồi và phát triển kinh tế, trong đó có các dịch vụ du lịch. Tất cả đều mong dịch bệnh dần qua đi, ngành du lịch sẽ có thêm những gam màu sáng và khởi sắc hơn ngay trong năm 2022.

 Đinh Nam