Biến chủng Omicron hoành hành, Tổng thống Mỹ kêu gọi từ bỏ bản quyền vaccine

(SHTT) - Tình trạng phủ vaccine không đồng đều giữa các nước giàu và nghèo được cho là tạo cơ hội để những biến chủng mới như Omicron xuất hiện.

Biến thể Omicron (ban đầu được gọi là B.1.1.529) lần đầu tiên được báo cáo cho WHO từ Nam Phi vào ngày 24/11. Sau đó, hôm 26/11, WHO đã đặt tên cho biến thể mới là Omicron (theo bảng chữ cái Hy Lạp) và phân loại biến thể này là "biến thể đáng lo ngại". Biến thể này được cho là có 32 đột biến trong protein gai.

Hình minh họa được các nhà khoa học tại Bệnh viện Bambino Gesu, Italy công bố cho thấy Omicron có nhiều gai đột biến ở khu vực tương tác với tế bào người. Diện tích tiếp xúc của nó cũng rộng hơn, cho thấy độ lây nhiễm cao hơn Delta. Số đột biến của Omicron là 43, trong khi ở Delta là 18.

 

Phần lớn đột biến của Omicron nằm trên protein gai, công cụ giúp virus bám dính và xâm nhập vào tế bào của người, dẫn đến nguy cơ nó có khả năng thoát khỏi hệ miễn dịch và lây lan nhanh hơn. Biến chủng này được cho là nguyên nhân khiến số ca nhiễm hàng ngày tại Nam Phi tăng 12 lần trong chưa đầy một tháng.

Trước sự hoành hành của biến chủng mới này, Tổng thống Mỹ Joe Biden hối thúc các nước từ bỏ bảo hộ sở hữu trí tuệ với vaccine để tăng tốc tiêm chủng cho toàn cầu.

Biden cũng hối thúc các quốc gia giàu có tăng cường hỗ trợ vaccine Covid-19 cho những nước nghèo hơn trong cuộc chiến chống đại dịch. "Mỹ đã viện trợ vaccine nhiều hơn mọi quốc gia khác cộng lại. Đã tới lúc các quốc gia khác phải bắt kịp tốc độ và sự hào phóng của Mỹ", ông nói.

Biden đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp sau khi áp hạn chế đi lại với 8 quốc gia phía nam châu Phi nhằm đối phó với biến chủng Omicron.

Theo WHO, chỉ mới 7,5% người dân ở các nước thu nhập thấp đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19. Trên 8 quốc gia ở phía nam châu Phi bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi lệnh cấm đi lại liên quan đến biến thể Omicron, tỉ lệ dân số đã tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19 dao động từ 5,6% ở Malawi đến 37% ở Botswana. Trong khi đó, 63,9% người dân ở các nước có thu nhập cao đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin COVID-19.

Minh Hà