Vai trò của việc tra cứu sáng chế đối với từng doanh nghiệp

(SHTT) - Việc tra cứu thông tin sáng chế là công việc rất cần thiết đối với doanh nghiệp để có thể định hướng phát triển sản phẩm, tránh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) của người khác và xây dựng tài sản SHTT.

Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Xu thế hợp tác và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước ngày càng gia tăng mạnh mẽ, quá trình mua bán và sát nhập doanh nghiệp ngày càng diễn ra phổ biến và có quy mô rộng lớn. Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức sâu sắc hơn nữa tầm quan trọng và sức mạnh của việc phát triển và bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ của mình nhằm giúp doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh trên thương trường và hội nhập quốc tế.

Trong điều kiện cạnh tranh sâu rộng như vậy, Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam (VIPA) đã phối hợp với Viện Phát triển Doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) biên soạn và xuất bản cuốn sách “Cẩm nang hướng dẫn xây dựng, quản lý và bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp” nhằm cung cấp thông tin và kiến thức cần thiết nhất giúp doanh nghiệp có thể tìm ra phương thức để vừa xây dựng và bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ, vừa nâng cao được giá trị doanh nghiệp của mình để tồn tại và phát triển.

 Vai trò của việc tra cứu sáng chế đối với từng doanh nghiệp

Trong cẩm nang này, các chuyên gia đã chỉ rõ vai trò của việc tra cứu sáng chế đối với các doanh nghiệp. 

Theo đó, thông tin sáng chế là các thông tin pháp lý và kỹ thuật có trong tài liệu sáng chế do các cơ quan SHTT công bố theo định kỳ, bao gồm các đơn đăng ký sáng chế và các bằng sáng chế đã cấp. Việc tra cứu thông tin sáng chế là công việc rất cần thiết đối với doanh nghiệp để có thể định hướng phát triển sản phẩm, tránh xâm phạm quyền SHTT của người khác và xây dựng tài sản SHTT.

Cụ thể, việc tra cứu thông tin sáng chế rất hữu ích cho doanh nghiệp khi:

Cần có cái nhìn toàn cảnh ở mức độ cao về một công nghệ, phục vụ cho việc xác định xu hướng hiện tại cũng như xu hướng phát triển của công nghệ này, các đối thủ cạnh tranh, các tác giả sáng chế nổi bật, các hoạt động nộp đơn đăng ký sáng chế trong lĩnh vực công nghệ này, và các công nghệ liên quan.

Cần đánh giá khả năng bảo hộ (tính mới, trình độ sáng tạo) của một giải pháp kỹ thuật cụ thể, phục vụ cho việc soạn thảo bản mô tả và nộp đơn đăng ký sáng chế của doanh nghiệp.

Cần đánh giá hiệu lực của một bằng sáng chế đã được cấp cho một giải pháp kỹ thuật, phục vụ cho việc nộp đơn xin hủy bỏ hiệu lực của bằng sáng chế này hoặc cho việc đánh giá khả năng thực thi quyền đã được công nhận của đối thủ cạnh tranh đối với giải pháp kỹ thuật này.

Cần đánh giá khả năng xâm phạm quyền đã được xác lập trước của người khác trước khi thương mại hoá một giải pháp kỹ thuật, phục vụ cho việc đưa ra quyết định có tiếp tục thương mại hoá giải pháp kỹ thuật này hay không hoặc đưa ra chiến lược đối phó với những rủi ro xâm phạm quyền trong tương lai.

Để tra cứu thông tin sáng chế, doanh nghiệp có thể sử dụng:

Các cơ sở dữ liệu sáng chế miễn phí của các cơ quan SHTT. Ví dụ:

Cơ sở dữ liệu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO): https://patentscope.wipo.int/search/en/search.jsf

Cơ sở dữ liệu của Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO): www.uspto.gov/patft/index.html

Cơ sở dữ liệu của Cơ quan sáng chế châu Âu (EPO): www.european-patent-office.org/espacenet/info/access.htm

Các cơ sở dữ liệu sáng chế có thu phí do một số công ty cung cấp. Ví dụ: Derwent, Dialog, STN, Questel Orbit, Micropatent, WIPS Global.

Việc lựa chọn cơ sở dữ liệu tra cứu phụ thuộc vào mục đích tra cứu. Ví dụ, nếu doanh nghiệp quan tâm đến các công nghệ phát triển ở một quốc gia cụ thể, thì có thể giới hạn việc tra cứu ở các cơ sở dữ liệu bao gồm các sáng chế ở quốc gia đó. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp cần nghiên cứu tổng quan về công nghệ toàn cầu thì các cơ sở dữ liệu quốc tế sẽ thích hợp hơn. Nhìn chung, nếu thực hiện các tra cứu đơn giản thì có thể chỉ cần sử dụng các cơ sở dữ liệu miễn phí có sẵn. Tuy nhiên, nếu cần thực hiện tra cứu chuyên sâu và phức tạp hơn thì cần phải sử dụng đồng thời các cơ sở dữ liệu miễn phí và có thu phí.

Doanh nghiệp có thể tự tra cứu thông tin sáng chế thông qua các cơ sở dữ liệu trực tuyến hoặc sử dụng dịch vụ tra cứu sáng chế do các tổ chức khác cung cấp.

Minh Vân