Sẽ rất khó để dập tắt đại dịch COVID-19 trong 3-6 tháng tới

(SHTT) - Theo nhận định của các nhà khoa học quốc tế, với diễn biến vô cùng phức tạp hiện nay, sẽ rất khó để có thể khiến dịch bệnh COVID-19 kết thức trong 3 - 6 tháng tới. Không chỉ vậy, thế giới còn có nguy cơ phải đối mặt với những đợt bùng dịch mới với mức độ nguy hiểm cao hơn.

Ở thời điểm hiện tại, hầu hết tất cả các chuyên gia trên thế giới đều có chung nhận định rằng sẽ rất khó để có thể hoàn toàn dập tắt đại dịch COVID-19 trên toàn cầu. 

Không chỉ thế, trong tương lai, rất có thể sẽ có thêm những đợt bùng dịch COVID-19 mới với cấp độ nguy hiểm cao hơn do sự xuất hiện của các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng kháng kháng thể và làm giảm hoặc vô hiệu hóa khả năng phòng ngừa của vaccine. 

Ông Michael Osterholm - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về Bệnh Truyền nhiễm tại Đại học Minnesota ở Minneapolis (Mỹ), đồng thời là cố vấn của Tổng thống Mỹ Joe Biden - cho biết: "Tôi cho rằng những đợt bùng phát mới sẽ tiếp tục xảy ra trên khắp thế giới. Sau đó, chúng sẽ giảm xuống. Tôi nghĩ, sẽ có thêm một đợt bùng phát khác diễn ra vào mùa thu và mùa đông năm nay".

 

Tương lai về những đợt "lockdown" mới là hoàn toàn có thể khi hiện nay vẫn còn hàng tỷ người trên thế giới vẫn chưa được tiêm phòng trong khi tình trạng thiếu vaccine vẫn còn là nan đề lớn trong khi ngày càng có thêm những biến chủng SARS-CoV-2 nguy hiểm hơn xuất hiện tại các nước.

Mọi ý kiến đều đồng ý rằng đại dịch chỉ có thể kết thúc khi hầu hết mọi người đều bị nhiễm bệnh hoặc được tiêm chủng ngừa đủ các mũi vaccine, hoặc có thể cả 2.

Tuy nhiên, cũng có những cảnh báo cho rằng, ngay cả khi tỷ lệ tiêm chủng tăng lên, sẽ luôn có những đối tượng dễ bị nhiễm virus như trẻ sơ sinh, những người không thể hoặc không được tiêm chủng ... khiến cho COVID-19 có điều kiện tồn tại lâu dài hơn nữa.

"Chúng ta sẽ thấy số ca bệnh tăng lên và giảm xuống, ít nhất là trong vài năm tới khi chúng ta có nhiều vaccine hơn. Việc tiêm chủng sẽ giúp ta chống lại virus. Vấn đề quan trọng là các đợt bùng dịch sẽ lớn như thế nào và cách nhau bao lâu. Chúng tôi không thể biết được. Chỉ có thể biết rằng, coronovirus sẽ giống như trận cháy rừng, chỉ dừng khi đã đốt cháy tất cả" – ông Osterholm cho hay.

Tại Việt Nam, Chính phủ và các nhà khoa học hiện cũng đang dần chuẩn bị cho một tương lai sống chung với dịch COVID-19 an toàn với nhiều biện pháp tích cực. Các hoạt động nghiên cứu vaccine và thuốc điều trị COVID-19 đang được chú trọng để nhanh chóng hoàn thiện để nước ta có thể chủ động trong cuộc chiến chống lại virus SARS-CoV-2.

Thái An