Dự án Cây tre Việt Nam: Dự án hỗ trợ DN vừa và nhỏ ứng phó với dịch Covid-19

(SHTT) - Đại dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam và làm suy giảm đà tăng trưởng…Vì vậy sáng kiến dự án Cây tre Việt Nam được hình thành để kết nối và hỗ trợ DN vừa và nhỏ ứng phó với dịch Covid-19.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, để tiếp tục vực dậy nền  kinh tế, yêu cầu đặt ra là phải nâng cao năng lực nội tại và chuyển đổi mô hình tăng trưởng hướng tới phát triển bền vững. Đặc biệt, cần tiếp tục cải cách thể chế hơn nữa, cắt giảm chi phí do chính sách, tạo thêm không gian kinh tế và động lực đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp.

Dịch COVID-19 đã dẫn đến nhiều hệ lụy, tác động tiêu cực đến kinh tế của đất nước. Theo đó đã làm suy giảm đà tăng trưởng, thậm chí là suy thoái trên diện rộng; đối với bộ phận doanh nghiệp, lực lượng đang đóng góp đến khoảng hơn 60% GDP mỗi năm cho nền kinh tế.

 Dự án Cây tre Việt Nam: Dự án hỗ trợ DN vừa và nhỏ ứng phó với dịch Covid-19

Tại Diễn đàn chính sách Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 sáng 8/12, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, ngay những ngày đầu dịch Covid-19 bùng phát, với tinh thần chống dịch như chống giặc Chính phủ đã triển khai các gói hỗ trợ và các biện pháp chính xác, nhanh chóng, quyết liệt. Đó là: Đóng cửa biên giới; Giãn cách xã hội; Truy vết; Cách ly…

 Đến thời điểm hiện tại Việt Nam luôn được ghi nhận là một trong những quốc gia đi đầu trong phòng chống dịch bệnh.Tuy nhiên, hậu quả của dịch bệnh để lại khá nặng nề.

Trong các khảo sát về tác động của Covid-19 tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, các hộ gia đình đang là nhóm yếu thế nhất, nhìn ở nhiều góc độ.

Do khó khăn về nguồn lực, nhóm doanh nghiệp này thường gặp khó khăn nhất trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước, để từ đó tận dụng được các cơ hội để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây cũng là nhóm doanh nghiệp ít có cơ hội phản ánh khó khăn, vướng mắc của mình tới các cơ quan nhà nước.

Trong số 80% doanh nghiệp không tiếp cận được các cơ chế, chính sách hỗ trợ trong giai đoạn vừa qua, phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Lý do không tiếp cận được, phần lớn các doanh nghiệp trả lời là không biết, không có thông tin.

Với số doanh nghiệp có thông tin về các gói hỗ trợ, thì khó khăn nằm ở chỗ không tìm được cơ quan đầu mối để tiếp cận. Đặc biệt, với nhiều doanh nghiệp, thủ tục quá phức tạp là lý do họ từ chối các khoản hỗ trợ đáng ra họ đủ điều kiện được nhận.

“Làm thế nào tăng khả năng chống chịu của doanh nghiệp nhất là khu vực nhở và vừa? Chúng tôi đã thống nhất thành lập một chương trình đặc biệt hay còn gọi là sáng kiến nâng cao khả năng chống chịu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa để đối phó với dịch bệnh và thiên tai. Từ đó tạo liên minh, liên kết mạng lưới nhóm doanh nghiệp này để giúp các doanh nghiệp đối phó; Đồng thời cùng Chính phủ nâng cao khả năng chống chịu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam”, Chủ tịch VCCI thông tin.

Ông Lộc cho biết: “Có thể chương trình này mang tên là Dự án Cây tre Việt Nam, mang tinh thần của cây tre Việt Nam. Qua đó, các doanh nghiệp sẽ có sáng kiến và tương tác với Chính phủ”.

Hà Trang