Thủ tục và các hình thức đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài

Câu hỏi: Xin các chuyên gia cho biết tôi chuẩn bị đăng ký một nhãn hiệu của doanh nghiệp ra nước ngoài thì cần những giấy tờ gì và tôi nên đăng ký theo hình thức nào để thuận tiện nhất?

Trả lời:

Để đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài, chúng tôi hướng dẫn doanh nghiệp có thể xem xét và lựa chọn một số hình thức phổ biến hiện nay.

I. Lựa chọn loại hình đăng ký thương hiệu phù hợp:

1. Đăng ký nhãn hiệu theo hệ thống Madrid (theo thỏa ước và Nghị định thư)

- Việt Nam hiện là thành viên của cả Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid nên doanh nghiệp có thể nộp đơn vào các quốc gia là thành viên của Thỏa ước hoặc Nghị định thư Madrid.

- Dựa trên một đơn cơ sở hoặc một đăng ký cơ sở tại Việt Nam thông qua Cục sở hữu trí tuệ.

- Người nộp đơn chỉ cần dùng một đơn đăng ký quốc tế theo mẫu quy định trong đó đánh dấu những nước thành viên mà mình muốn đăng ký nhãn hiệu

- Người nộp đơn có thể tận dụng thủ tục đăng ký đơn giản, tiện lợi (chỉ nộp một đơn duy nhất, bằng một ngôn ngữ duy nhất) tiết kiệm thời gian và chi phí trong trường hợp đăng ký ở nhiều nước một lúc

- Về thời hạn thẩm định đơn đăng ký quốc tế là 12 hoặc 18 tháng, tùy thuộc vào nước thành viên được chỉ định.

 Thủ tục và các hình thức đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài. Ảnh: Luật Thống Nhất

2. Đăng ký trực tiếp tại từng quốc gia

- Chủ nhãn hiệu có thể nộp đơn theo thủ tục của từng quốc gia cho Cơ quan nhãn hiệu của quốc gia đó, ví dụ tại Thái Lan, Hoa Kỳ, Nhật Bản…

- Sử dụng các công ty luật làm đại diện của mình tại quốc gia đó, hoặc sử dụng dịch vụ của các công ty đại diện sở hữu công nghiệp để thực hiện thủ tục đăng ký.

- Thời hạn xem xét đơn tùy thuộc vào quy định pháp luật của quốc gia đó, thủ tục này rất khác nhau ở từng quốc gia.

II. Thủ tục đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài:

- Bước đầu là tra cứu khả năng đăng ký của nhãn hiệu

- Bước tiếp theo là đăng ký nhãn hiệu

Các tài liệu cung cấp cho việc đăng ký nhãn hiệu nước ngoài:

+ Mẫu nhãn hiệu;

+ Danh mục các sản phẩm, dịch vụ cần đăng ký;

+ Bản sao có công chứng, chứng thực giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá tại Việt Nam;

+ Chi phí, thời gian đăng ký: Sẽ theo quy định cụ thể tại từng Quốc gia, sẽ báo lại cho quí khách sau khi gửi yêu cầu.

+ Giấy uỷ quyền (cung cấp sau khi nhận được yêu cầu).

Theo Baohothuonghieu