Hà Nội: Cốm làng Vòng được chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

(SHTT) - Nhãn hiệu "Cốm làng Vòng" được đăng ký gồm màu xanh lá cây, vàng, đỏ, đỏ nâu, hồng với hình Khuê Văn Các và bông lúa...

Mới đây, UBND phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) công bố quyết định của Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Cốm làng Vòng".

Quyết định kèm theo danh sách 22 thành viên thuộc Hợp tác xã Cổ phần cốm làng Vòng được sử dụng nhãn hiệu tập thể này. Nhãn hiệu được đăng ký gồm màu xanh lá cây, vàng, đỏ, đỏ nâu, hồng với hình Khuê Văn Các và bông lúa.

Hiện tại, phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội có gần 10 lò cốm đang hoạt động với trên 70 người cùng tham gia giới thiệu quảng bá và bán sản phẩm Cốm làng Vòng.

 Hà Nội: Cốm làng Vòng được chứng nhận đăng ký nhãn hiệu 

Phát biểu tai Hội nghị, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu Nguyễn Quang Thắng cho biết: “Năm 2018, phường Dịch Vọng Hậu đã đứng ra hỗ trợ cho Hội Nông dân của phường liên hệ với Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN đăng ký được nhãn hiệu sản phẩm cốm làng Vòng. Sau khi hoạt động được một thời gian, TP có chủ trương các quận nội thành giải thể các Hội Nông dân.

Do vậy, đến giữa năm 2019, phường Dịch Vọng Hậu báo cáo lên quận Cầu Giấy, thành lập Hợp tác xã cốm làng Vòng để duy trì làng nghề. Sau khi thành lập, Hợp tác xã có tư cách pháp nhân. Khi đó, chúng tôi mới liên hệ với Sở Công Thương để hướng dẫn làm mới đăng ký thương hiệu cho hợp tác xã. Đến hôm nay, chúng tôi mới tập trung bà con lại để công bố và định hướng phát triển làng nghề. Sau này, chúng tôi sẽ phối hợp làng nghề định hướng phát triển du lịch tâm linh ở Đình Hậu và chùa Thánh Chúa” - ông Nguyễn Quang Thắng cho biết.

Trao đổi với phóng viên, ông Thắng cho biết thêm: “Thời gian tới, phường Dịch Vọng Hậu sẽ hỗ trợ bà con chuẩn bị xây dựng khu vực sản xuất cốm để đảm bảo quy trình sản xuất về VSATTP; liên hệ điểm thuận lợi để ký hợp đồng mua nguyên vật liệu đảm bảo nguồn gốc xuất xứ và đảm bảo khâu tiêu thụ cho người dân.Bên cạnh đó, Phường đã đề xuất quận địa điểm giới thiệu sản phẩm. Ở đó, chúng tôi dự định trưng bày các công cụ sản xuất cốm từ xưa đến nay và các quầy giới thiệu cốm chính thức của nhãn hiệu cốm làng Vòng cho bà con”.

Người làng Vòng mỗi dịp Tết Trung thu vẫn dâng cúng ông bà tổ tiên một gói cốm nhỏ như để tri ân các thế hệ trước và sản xuất cho người Hà Nội thưởng rằm cũng như mang theo về phương xa.

Ngày nay, Cốm làng Vòng đã vươn ra thị trường nước ngoài như Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Mỹ, Đức, Pháp, Canada... với các sản phẩm cốm tươi và cốm sấy khô. Việc chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cũng giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Hải Trang