Nga sản xuất thành công thịt ngựa nhân tạo

(SHTT) - Gần đây, các nhà khoa học Nga đã thành công tạo ra những miếng thịt ngựa từ tế bào gốc của ngựa với sự trợ giúp của các lò ấp đặc biệt mà không cần sử dụng kháng sinh và các loại thuốc khác có thể gây hại cho sức khỏe con người.

Thịt được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm hiện đang là một lĩnh vực mới nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà khoa học, người tiêu dùng và ngành thực phẩm tiêu dùng trên toàn thế giới. 

Hiện nay, trên thế giới đã có khoảng 30 dự án phát triển công nghệ tạo thịt được nuôi cấy và có nhiều đất nước đã cho phép đua các sản phẩm thịt nhân tạo bán ra thị trường.

Điều này được giải thích bởi thực tế khi tạo ra thực phẩm nhân tạo, các tế bào động vật sẽ được sử dụng, được lên kế hoạch phát triển trong môi trường dinh dưỡng vô trùng, được bảo vệ khỏi vi rút và vi khuẩn mà vẫn đảm bảo lượng chất dinh dưỡng quy chuẩn.

 

Trước đây, các loại thịt được thử nghiệm hầu hết là thịt lợn, thịt bò, thịt gà và đã đạt được những thành công nhất định. Gần đây, các nhà khoa học Nga đến từ ArtMeat đã lên kế hoạch tạo ra thịt ngựa thân thiện với môi trường, không chứa kháng sinh và các thành phần gây hại khác.

Ông Askar Latyshev, CEO của ArtMeat chia sẻ rằng họ lấy các mẫu mô cơ từ những con ngựa non bằng cách sinh thiết, vì có thể tìm thấy số lượng tế bào gốc lớn nhất trong mô cơ để tạo thịt. Sau khi phân lập, các nhà khoa học đưa vật liệu sinh học vào một lò ấp đặc biệt - kỹ thuật này đảm bảo chế độ nhiệt độ, thành phần của không khí chính xác và cũng cung cấp cho các tế bào các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự tăng trưởng.

Mục tiêu chính của các nhà khoa học ở giai đoạn nghiên cứu hiện nay là tìm kiếm các điều kiện và thành phần tối ưu của môi trường dinh dưỡng để các thành phần cơ có thể phát triển với tốc độ tối đa. Theo các chuyên gia, chính hoạt động phát triển tế bào là một trong những đặc điểm quan trọng nhất để mở rộng quy mô công nghệ, giúp áp dụng trên quy mô sản xuất công nghiệp.

Mặt khác, thịt phát triển nhanh sẽ không ngon nếu không có các tế bào mỡ trong sản phẩm, vì vậy, các tác giả của dự án phải nghiên cứu để đưa tế bào mỡ vào mô cơ. Kết quả của công trình này là thu được loại thịt băm có thể được sử dụng để chế biến các món ăn.

Theo kế hoạch của ArtMeat, phần thịt ngựa đầu tiên được nuôi cấy sẽ xuất hiện trong 3 năm tới. Và để có được một cục thịt hoàn chỉnh như sản phẩm thịt nuôi trồng thông thường, các nhà khoa học có thể phải cần tới 5 - 6 năm nữa.

Nam An