Phát hiện 'ốc đảo' cổ trên sao Hỏa - manh mối mới về sự sống ngoài hành tinh

(SHTT) - Nhân viên NASA mới đây đã tuyên bố tìm thấy một manh mối khác về sự sống trên sao Hỏa thông qua việc phát hiện một 'ốc đảo' cổ trên hành tinh này.

RT hôm 8/10 đưa tin, các nhà khoa học đã xác định một miệng núi lửa rộng 160 km (được đặt tên là Gale) tồn tại trên bề mặt sao Hỏa cách đây hơn 3,5 tỷ năm nhờ phân tích dữ liệu do robot thám hiểm Curiosity của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thu thập.

Phát hiện này cung cấp cái nhìn sâu hơn về lịch sử của "hành tinh Đỏ" ở một thời điểm rất có thể có sự sống tồn tại.

 

Miệng núi lửa Gale có thể là những gì còn lại sau khi thiên thạch rơi xuống bề mặt sao Hỏa. Vì vậy, nó như một nơi lưu giữ độc nhất về sự biến đổi của sao Hỏa. Nếu bạn muốn tìm kiếm bằng chứng về khí hậu thời tiền sử của hành tinh Đỏ, miệng núi lửa Gale sẽ là nơi vô cùng lý tưởng", William Rapin, tác giả chính của nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Nature Geoscience, chia sẻ hôm 7/10.

Trầm tích mang theo nước và gió lấp đầy trong miệng hố, từng lớp một. Mỗi lớp cho thấy một kỷ nguyên khác nhau của lịch sử sao Hỏa và nắm giữ manh mối về môi trường thịnh hành vào thời điểm đó.

Nhà khoa học William Rapin nói: "Chúng tôi quan tâm đến miệng núi lửa Gale vì nó bảo tồn kỷ lục độc đáo về một sao Hỏa đang thay đổi”.

William Rapin và các nhà khoa học khác cũng mô tả muối được tìm thấy trên một phần đá trầm tích cao 150 mét có tên là "Đảo Sutton”.

Dựa trên một loạt các vết nứt tại một địa điểm có tên là "Old Soaker", nhóm nghiên cứu biết khu vực này từng có thời gian khô hạn xen kẽ.

Cho rằng Trái đất và sao Hỏa giống nhau trong những ngày đầu, NASA suy đoán “Đảo Sutton” có thể giống với các hồ nước mặn trên đỉnh Altiplano của Nam Mỹ.

Các dòng suối và sông chảy từ các dãy núi vào cao nguyên khô cằn, cao độ này dẫn đến các lưu vực kín tương tự như miệng núi lửa cổ đại của sao Hỏa.

Một phần của miệng núi lửa có tên là “Old Soaker” có dấu hiệu rõ ràng nhất của một ốc đảo cổ đại. Các nhà khoa học tin rằng khu vực này từng có nhiều nước nhưng sau đó bị cạn khô. Tuy nhiên, việc sự sống có tồn tại ở thời điểm này hay không vẫn còn là một bí ẩn.

Hiện tại, các bằng chứng chỉ ra miệng núi lửa Gale và sao Hỏa nói chung, được các nhà khoa học phán đoán là nơi có thể đã từng tồn tại sự sống.

 

Robot thám hiểm Curiosity của NASA đáp xuống bề mặt sao Hỏa năm 2012. Tại đây, Curiosity thu thập các mẫu và nghiên cứu khí hậu cùng địa chất của "hành tinh Đỏ". Hiện tại, robot thám hiểm này đang thăm dò trên đỉnh Sharp, nằm ở trung tâm miệng núi lửa Gale.

Nguyễn Huế