Sử dụng kính áp tròng dẫn thuốc giúp nâng cao hiệu quả điều trị bệnh về mắt

(SHTT) - Theo các nhà khoa học Mỹ, dùng kính áp tròng giải phóng dần thuốc trực tiếp vào mắt là một sự thay thế tuyệt vời cho thuốc nhỏ mắt với lợi thế là không xâm lấn và hiệu quả điều trị cao.

Theo Medical Express, thông thường, tiêm là cần thiết để điều trị các bệnh ảnh hưởng đến võng mạc. Nhưng tiêm lại gây ra nỗi sợ hãi ở nhiều bệnh nhân, gây cản trở trị liệu. Để giải quyết vấn đề này, các nhà khoa học Mỹ đã tạo ra một loại kính áp tròng đặc biệt giúp vận chuyển thuốc trực tiếp vào khu vực cần điều trị.

 

Khảo sát được thực hiện trong nghiên cứu cho thấy có tới 25% số bệnh nhân được điều trị bệnh liên quan tới võng mạc bằng phương pháp tiêm trực tiếp đã không quay trở lại vì lo sợ.

Công trình nghiên cứu mới của Bệnh viện Mắt & Tai Massachusetts và Bệnh viện Nhi đồng Boston (Mỹ) đã tạo ra phương pháp sử dụng kính áp tròng để giải phóng thuốc đến các vùng mắt bị tổn thương nhưng khó tiếp cận, đặc biệt là các bệnh về võng mạc.

Mặc dù có những loại thuốc có hiệu quả đối với những tình trạng này, nhưng thật khó để đưa chúng đến các mô võng mạc theo cách không xâm lấn do đó hiệu quả điều trị đạt được có thể không được như mong muốn mà còn gây ra những tác dụng phụ tiềm ẩn thậm chí là khá nghiêm trọng.

 

Đối với việc sử dụng kính áp tròng, việc đưa dexamethasone (một steroid được sử dụng để điều trị các bệnh viêm mắt) vào vùng tổn thương sẽ trở nên dễ dàng và đạt hiệu quả tốt hơn.

Các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm kính áp tròng trên động vật bị viêm màng bồ đào và phù hoàng điểm (macular edema). Hóa ra, kính áp tròng giúp giải phóng thuốc liên tục vào võng mạc trong một tuần.

Trên thực tế, khi dùng kính áp tròng có thể đạt được nồng độ thuốc tiếp xúc với vùng tổn thương cao hơn 200 lần so với các chỉ số được quan sát thấy khi nhỏ thuốc mắt mỗi giờ một lần. Về hiệu quả, việc sử dụng kính áp tròng hoàn toàn tương đương với biện pháp tiêm trong hiệu quả ngăn ngừa tổn thương võng mạc.

Hiện các nhà khoa học đang chuẩn bị bắt đầu thử nghiệm lâm sàng phương pháp này.

Vũ An