Cảnh báo: Phát hiện nhiều mẫu thịt, rau củ quả tại thị trường Hà Nội không đảm bảo chất lượng

(SHTT) - Trong 6 tháng đầu năm 2019, các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội đã lấy mẫu giám sát chất lượng an toàn thực phẩm đối với 1.412 mẫu nông lâm thủy sản. Hiện đã có kết quả phân tích của 824 mẫu. Trong đó, phát hiện 34 mẫu có vi phạm (chiếm tỷ lệ 4,1%).

Theo thông tin trên tờ KTĐT, báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội ban hành ngày 25/7 cho thấy, vấn đề an toàn thực phẩm trên địa bàn Thủ đô vẫn còn là mối lo lớn.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2019, các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội đã lấy mẫu giám sát chất lượng an toàn thực phẩm đối với 1.412 mẫu nông lâm thủy sản. Hiện đã có kết quả phân tích của 824 mẫu. Trong đó, phát hiện 34 mẫu có vi phạm (chiếm tỷ lệ 4,1%). Một điều đáng mừng là con số này giảm 6,42% so với cùng kỳ năm 2019.

Kết quả giám sát cụ thể cho thấy, tỷ lệ mẫu thịt không đạt các chỉ tiêu vi sinh là 18 mẫu, có 13 mẫu rau củ quả tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng, trong khi tỷ lệ mẫu thủy sản vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh là 3 mẫu.

Cảnh báo: Phát hiện nhiều mẫu thịt, rau củ quả tại thị trường Hà Nội không đảm bảo chất lượng. Ảnh minh họa 

Ngoài ra, Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp (Sở NN&PTNT Hà Nội) đã sử dụng 18 lượt xe kiểm nghiệm nhanh, xét nghiệm nhanh 44 mẫu. Các mẫu đều âm tính với các chỉ tiêu phân tích về an toàn thực phẩm.

Việc tổ chức hậu kiểm, kiểm tra chất lượng sản phẩm tự công bố đã được các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội thực hiện thường xuyên, kết hợp giữa thanh tra chuyên ngành, đột xuất. Trong số 83 mẫu sản phẩm chế biến để kiểm tra chất lượng, hậu công bố sản phẩm, kết quả, có 1 mẫu sản phẩm nước mắm không đạt chỉ tiêu độ đạm so với công bố. 82 mẫu thịt, chè, cà phê, gạo, rau củ quả, muối, gia vị, thủy sản chế biến… đều bảo đảm chất lượng sau hậu kiểm.

Theo Cục BVTV (Bộ NN-PTNT), ở Việt Nam hiện có khoảng 1.700 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật với trên 4.000 sản phẩm thương mại có các tên gọi khác nhau. Đáng lưu ý, mỗi năm, nước ta chi ra khoảng 500 triệu USD để nhập khẩu thuốc trừ sâu, trừ cỏ và nguyên liệu sản xuất thuốc bảo vệ thực vật từ Trung Quốc.

Trong số này, chiếm gần 50% là thuốc trừ cỏ, tương đương khoảng 19.000 tấn; tiếp đó là các loại thuốc trừ sâu và trừ bệnh chiếm khoảng 32%, tương đương 16.400 tấn. Với một lượng rất lớn thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng tràn lan như hiện nay, trong đó có nhiều loại không rõ nguồn gốc, đang ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe cộng đồng.

Loan Hoàng