Vụ Masan tạo hình Lăng Bác bằng tương ớt Chinsu: Masan nói gì?

(SHTT) - Cư dân mạng hiện đang chia sẻ rộng rãi hình ảnh công trình Lăng Bác được xếp từ sản phẩm tương ớt Chinsu - thương hiệu của Masan tại quầy trưng bày sản phẩm khuyến mãi tại siêu thị Lotte Liễu Giai (Hà Nội). Sự việc đang gây ra luồng phẫn nộ lớn từ dư luận.

Vào tối ngày 20/4, hình ảnh chụp quầy trưng bày sản phẩm khuyến mãi tương ớt Chinsu của Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) ở siêu thị Lotte Liễu Giai (Hà Nội) được mô phỏng theo kiến trúc lăng Bác Hồ tiếp tục được chia sẻ với tốc độ "chóng mặt" với nhiều ý kiến, phần lớn không đồng tình.

Theo khoản 3 và Khoản 5 điều 8, Luật Quảng cáo 2012 đã nêu rõ một trong những hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo là: "Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Đảng kỳ, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước”.

 

Nói về vấn đề này, luật sư Trần Bá Học (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, hình ảnh Lăng Bác bị Masan tạo hình bằng sản phẩm tương ớt khuyến mãi gây phản cảm đạo đức kinh doanh. Việc lợi dụng hình ảnh Lăng Bác để thu lợi riêng trong kinh doanh là hình thức gây phản cảm.

Theo luật sư Học, trong quy định của luật về cách thức quảng cáo thì không thể khẳng định được Masan vi phạm vì luật hiện hành đang rất rộng, chưa cụ thể được trường hợp nào. Đây cũng là lý do không thể quy kết tội cho Masan, vì đây là tự do ý tưởng.

Tuy nhiên, dù không áp dụng luật, nhưng cơ quan thẩm quyền có thể khuyến cáo, nhắc nhở Masan dỡ bỏ mô hình này để tránh gây hiểu lầm, mất thẩm mỹ với truyền thống lịch sử.

 

Chia sẻ về vụ việc trên, đại diện Masan cho hay: "Để chào mừng những ngày lễ lớn của dân tộc 30/4 - 1/5, siêu thị Lotte (Liễu Giai, Hà Nội) phát động phong trào trưng bày sản phẩm trong nội bộ siêu thị theo chủ đề 30/4- 1/5".

Theo đó, các nhãn hàng đã sắp xếp mô hình theo chủ đề này như xe tăng, Chùa một cột...

"Sản phẩm tuơng ớt Chinsu đã được các bạn PG (nhân viên có nhiệm vụ đại diện cho các thương hiệu quảng cáo sản phẩm trong các event, chiến dịch quảng bá, marketing cho công ty) sắp xếp mô phỏng theo tạo hình Lăng Bác với tinh thần tưởng nhớ nhưng lại gây hiệu ứng ngược tới người tiêu dùng"- đại diện Masan thông tin.

Hơn một tháng qua cái tên tương ớt Chin-su trở thành từ khóa hot trên mạng sau khi sản phẩm này bị thu hồi tại Nhật Bản.

Theo thông tin đăng tải trên trang www.city.osaka.lg.jp - trang thông tin của thành phố Osaka, ngày 2/4, cơ quan Xúc tiến sức khỏe và Vệ sinh đời sống Nhật đã ra thông báo về sản phẩm tương ớt Chin-su nhập khẩu từ Việt Nam bị thu hồi do chứa phụ gia thực phẩm (axit benzoic, axit sorbic... ) chưa được kiểm định sử dụng tại Nhật, vi phạm điều 11 khoản 2 Luật vệ sinh thực phẩm.

Trang thông tin này cho biết, ngày 8/3/2019, Cục y tế công cộng TOKYO đã kiểm tra sản phẩm tương ớt nhập khẩu từ Việt Nam vì có nghi ngờ vi phạm điều luật về vệ sinh an toàn thực phẩm do Chính phủ Nhật ban hành. Thực nghiệm được làm tại Hiệp hội vệ sinh thực phẩm Tokyo, Viện nghiên cứu công nghệ thực phẩm Tokyo.

Khi phân tích lô hàng được nhập vào ngày 7/12, cơ quan chức năng Nhật Bản phát hiện ra hàm lượng Axit Benzoic và Axit Sorbic vượt quá quy định cho phép. Sau khi có kết quả phân tích, giám đốc trung tâm Y tế cộng đồng thành phố Osaka đã ra lệnh cho nhà nhập khẩu thu hồi toàn bộ sản phẩm.

Về phía hàng hóa vi phạm, trang thông tin thành phố Osaka ghi rõ: "Tên sản phẩm: tương ớt Chin-su, xuất xứ: Masan Việt Nam, hạn dùng: 10-6-2019, 17-6-2019, 6-7-2019".

Theo kết quả phân tích của Hiệp hội Vệ sinh thực phẩm Tokyo thuộc Viện nghiên cứu Công nghệ thực phẩm Tokyo, hàm lượng axit benzoic trong tương ớt Chin-su bị thu hồi ở Nhật lần lượt 0,41g/kg với các chai có hạn dùng 10/6/2019, 0,44g/kg với hạn dùng 17/6/2019 và 0,45g/kg với hạn dùng 6/7/2019.

Tổng cộng có 757 thùng, 18.168 chai tương ớt đã được bán cho Công ty TNHH Công nghiệp ISC từ tháng 10 đến tháng 12/2018.

Việc tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Nhật nhưng được tiêu thụ rộng rại tại Việt Nam đặt ra câu hỏi, phải chăng tiêu chuẩn Việt Nam thấp hơn?

Thảo Hà