Tìm ra phương pháp tiệt trùng nước bằng tia cực tím từ Mặt Trời

(SHTT) - Theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại Trung Quốc, bằng năng lượng tia cực tím từ Mặt Trời, chỉ trong 1 tiếng đồng hồ, lượng vi khuẩn tồn tại trong 10 lít nước, ngay cả những loại cứng đầu như E.coli cũng sẽ bị tiêu diệt tới 99,9999%.

Theo Science Alert, mới đây các nhà khoa học Trung Quốc tại Học viện Công nghệ Bắc Kinh và Đại học Dương Châu đã tìm ra được một phương pháp mới sử dụng ánh sáng Mặt Trời và một hợp chất gốc carbon nitride để tiêu diệt một lượng lớn vi khuẩn trong nước sinh hoạt với khoảng thời gian rất ngắn.

Theo đó, các nhà nghiên cứu sử dụng hợp chất có tên gọi graphitic carbon nitride (g-C3N4) dạng nanosheet. Khi chiếu ánh sáng tia cực tím vào hợp chất này, nó sẽ sản sinh những phân tử gọi là Reactive Oxygen Species (ROS). Những phân tử này có khả năng tiêu diệt vi khuẩn và mầm bệnh cực kỳ hiệu quả và trên thực tế, các nhà khoa học đã chứng minh được phương pháp của họ tạo ra đủ ROS để tiệt trùng 10 lít nước chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ.

Phương pháp này có thể lọc ra 10 lít nước tiệt trùng chỉ trong 1 giờ đồng hồ.

Nhóm nghiên cứu thử nghiệm dùng g-C3N4 và ánh sáng mặt trời, vốn cũng có tia cực tím ở cường độ cao để tiến hành tiệt trùng một lượng nước 50ml chứa đầy vi khuẩn. Sau 30 phút, hơn 99.9999% vi khuẩn, trong đó có cả E. coli đã bị tiêu diệt hoàn toàn.

Theo nhóm nghiên cứu, công nghệ mới này rất thân thiện với môi trường, ngoài ra, chi phí thực hiện cũng rất rẻ đổi lại hiệu quả vô cùng cao. Dựa trên những ưu điểm đó, các nhà khoa học Trung Quốc hy vọng có thể áp dụng rộng rãi nghiên cú này trên khắp thế giới trong tương lai.

Một trong những tác giả của cuộc nghiên cứu, Dan Wang viết trong báo cáo khoa học: “Khả năng ứng dụng sau này của công nghệ diệt khuẩn nhờ xúc tác quang học sẽ có thể giảm thiểu tối đa sự thiếu hụt nước sạch cũng như năng lượng trên thế giới.”

 Nhóm nghiên cứu hy vọng phương pháp này có thể áp dụng rộng rãi trong tương lai.

Ông Wang và các cộng sự cũng tin rằng hệ thống mà họ tạo ra có thể dùng chung với các hệ thống lọc nước phức tạp, với những chức năng khác như lọc kim loại và cân bằng độ pH, từ đó tạo ra một phương pháp lọc nước sạch hơn và ít chất thải hơn.

Trước đó, nhiều nhà khoa học đã thử nghiệm các hợp chất dạng nanotube và graphene và sử dụng quy trình xúc tác quang học để thực hiện điều tương tự, nhưng không hiệu quả bằng những hợp chất gốc kim loại vì graphene tạo ra không đủ ROS để tiệt trùng nguồn nước. 

Xuân Thủy