Để người lao động không bị thiệt

Dịch vụ cho thuê lại lao động đã được hợp pháp hóa khi Bộ luật lao động (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-5-2013.

Dịch vụ cho thuê lại lao động đã xuất hiện gần chục năm nay và đang có chiều hướng tăng mạnh. Điều đáng nói là loại hình dịch vụ này tồn tại khá lâu trong bối cảnh Bộ luật lao động chưa cho phép. Việc này gây nên nhiều hệ lụy cho thị trường lao động và ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của người lao động.

Gần 60 doanh nghiệp cho thuê lao động

Anh Bùi Kim Trường (quê Nghệ An) hiện đang làm công nhân đóng gói tại Công ty P&G (Bình Dương), cho biết tuy anh làm việc tại P&G nhưng anh là lao động của Công ty L&A (đơn vị cho thuê lại lao động). Thu nhập của anh tại L&A mỗi tháng khoảng 4,2 triệu đồng. Anh Trường cho hay làm trực tiếp cho một công ty hay đầu quân vào một công ty cho thuê lao động là do bản thân người lao động lựa chọn.

Ông Ngô Đình Đức, tổng giám đốc Công ty L&A - nhà cung cấp trọn gói các giải pháp về nguồn nhân lực, cho rằng hình thức cho thuê lại lao động rất hữu ích cho nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài khi họ tìm kiếm nguồn lao động để phát triển sản xuất kinh doanh. Người lao động khi đầu quân cho các công ty cho thuê lao động thường có nhiều sự lựa chọn công việc, vì công ty luôn thực hiện nhiều dự án cùng một lúc, có nhiều nguồn khách hàng cần thuê.

Anh Mã Thành Phi, trưởng phòng dịch vụ thầu phụ nhân lực của một công ty cho thuê lại lao động trụ sở tại TP.HCM có quy mô 4.000 người, cho biết hai dạng cho thuê lao động mà anh đang quản lý là cho thuê theo số lượng người và thuê làm sản phẩm. Ví dụ, một doanh nghiệp thuê phía anh Phi 100 lao động, việc chi trả lương do công ty anh thực hiện đúng với số tiền mà đơn vị thuê trả cho mỗi người lao động; bên thuê phải trả cho bên cho thuê chi phí quản lý theo thỏa thuận. Còn nếu thuê làm sản phẩm thì đơn vị thuê không quan tâm phía anh Phi đem đến bao nhiêu lao động, số tiền công được tính trên số lượng sản phẩm làm ra. “Lúc này chúng tôi đứng ra quản lý công việc, làm hiệu quả thì thu nhập của mỗi công nhân sẽ cao”, anh Phi nói.

Báo cáo của Sở LĐ-TB&XH TP cho thấy toàn TP hiện có gần 60 doanh nghiệp (DN) đang cung cấp dịch vụ cho thuê lại lao động, tập trung ở các quận Gò Vấp với 26 DN, Bình Tân với 13 DN và quận 7 có chín DN... Tổng số lao động đang làm việc theo hình thức trên tại các DN là hơn 5.000 người với nghề nghiệp đa dạng từ quản lý nhân sự, nhân viên kế toán cho đến giúp việc nhà, giữ trẻ...

Ông Bùi Sĩ Lợi, phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết sắp tới đây các công ty cho thuê lại lao động sẽ đăng ký giấy phép hoạt động. Đơn vị nào đủ điều kiện theo quy định của luật sẽ được cấp giấy phép hành nghề loại hình dịch vụ này.

Bảo đảm quyền lợi người lao động

 Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, nhìn chung các DN cho thuê lại lao động chưa chấp hành triệt để việc giao kết hợp đồng lao động (đa số là ký kết hợp đồng dưới ba tháng) nhằm né tránh quyền lợi của người lao động. Nhiều DN còn không tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Theo một cán bộ Sở LĐ-TB&XH, “đa số DN cho thuê lại lao động tuyển dụng lao động với giá rẻ, sau đó nhượng lại quyền sử dụng số lao động này cho DN có nhu cầu với giá cao hơn. Lợi nhuận của các DN này chủ yếu từ việc cắt lại một phần tiền lương của người lao động”.

 Ông Trần Văn Thạnh, phó giám đốc Công ty Suleco (thuộc Sở LĐ-TB&XH TP), cho biết Suleco đang quản lý đội ngũ lao động cho thuê khoảng 1.500 người, đa số hoạt động trong lĩnh vực tiếp thị cho các hãng bia tại VN. Theo ký kết giữa Suleco với các đối tác trên, các khoản lương, thưởng... đối tác chi trả cho người lao động thông qua Suleco và Suleco có trách nhiệm trả đúng số tiền lương thưởng này cho người lao động. “Chúng tôi chỉ thu phí dịch vụ quản lý của chủ sử dụng lao động thuê lại, không thu bất cứ phí dịch vụ nào từ người lao động, đồng thời bảo đảm mọi quyền lợi cho người lao động theo quy định của pháp luật” - ông Trần Văn Thạnh nói.

Theo một số chuyên gia lao động, việc Bộ luật lao động (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-5-2013 (trong đó có quy định về hoạt động cho thuê lại lao động) đã đáp ứng được xu thế phát triển của thị trường lao động hiện nay. Đáng mừng hơn, luật đã quy định rất chặt chẽ, bảo đảm quyền lợi của người lao động như: “Hợp đồng cho thuê lại lao động không được có những thỏa thuận về quyền, lợi ích của người lao động thấp hơn so với hợp đồng lao động mà DN cho thuê lại đã ký với người lao động; bảo đảm trả lương cho người lao động thuê lại không thấp hơn tiền lương người lao động của bên thuê lại lao động có cùng trình độ, làm cùng công việc hoặc công việc có giá trị như nhau...”.

Với những quy định như trên, theo một cán bộ Sở LĐ-TB&XH, các DN không thể thu phí (nói một cách khác là ăn chặn - PV) trên lương của người lao động mà chỉ được phép thu phí quản lý từ chủ sử dụng lao động thuê lại. Ngoài ra theo ông Hồ Xuân Lâm, trưởng phòng quản lý lao động (Ban Quản lý các KCX-KCN TP.HCM), sự hợp thức hóa dịch vụ cho thuê lại lao động cùng những quy định cụ thể trong luật Lao động sẽ giúp điều tiết thị trường lao động VN - vốn xảy ra tình trạng khan hiếm lao động theo vụ mùa, có đơn hàng thì tuyển ồ ạt còn ít việc lại thải ra - bởi bên cho thuê lao động không bao giờ để người lao động của mình “rảnh rang” mà linh hoạt bố trí công việc.