Công nghệ làm đá bằng nước biển hỗ trợ ngư dân bảo quản hải sản ngay trên biển

(SHTT) - Sáng ngày 23/11, Trung tâm Phát triển công nghệ cao - Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam đã công bố kết quả nghiên cứu sản phẩm làm đá tuyết từ nước biển hỗ trợ ngư dân bảo quản hải sản ngay trên biển mà không cần mang nước ngọt từ đất liền theo.

Hệ thống này được các nhà khoa học thực hiện thành công sau 18 tháng nghiên cứu, thiết kế, có thể dùng trực tiếp nước biển để tạo thành đá bảo quản hải sản đánh bắt xa bờ.

 Mô hình lắp đặt hệ thống

Với công nghệ mới này, thay vì các chủ tàu phải mua đá nước ngọt từ đất liền, sau đó xay nhỏ hoặc để nguyên cây trong khoang lạnh bảo quản trên tàu, nay chỉ cần lắp đặt hệ thống trên tàu, bơm nước biển chạy qua bộ phận làm lạnh và đầu ra sẽ là sản phẩm đá tuyết.

ThS Lê Văn Luân, chủ nhiệm đề tài, cho biết hệ thống sản xuất đá tuyết này giúp giảm chi phí vận chuyển đá từ đất liền. Độ lạnh của đá tuyết nước biển sâu hơn đá bào từ nước ngọt nên làm lạnh nhanh hơn, bảo quản hải sản tốt hơn.

 

Để giúp vận hành thuận tiện, máy sản xuất đá tuyết được tích hợp bộ điều khiển trung tâm, hiển thị các thông số kỹ thuật, mức nhiên liệu tiêu thụ, nhắc lịch bảo dưỡng… và khả năng điều chỉnh độ đậm đặc của đá tuyết phù hợp với từng loại thủy sản cần bảo quản. Đây là máy làm đá từ nước biển đầu tiên được nghiên cứu, phát triển, sản xuất trong nước.

Về mặt hình thái, đá lỏng là hỗn hợp giữa tinh thể đá nhỏ và nước, được duy trì trong dải nhiệt độ từ  - 6 độ C đến -2 độ C. Đây là trạng thái chuyển tiếp giữa pha lỏng và pha rắn nên có thể bơm được từ buồng tạo đá lỏng đến các bồn lưu trữ hoặc các ngăn bảo quản cá trên tàu.

Thời gian cho ra sản phẩm đá lỏng cũng rất ngắn. Nước biển bơm trực tiếp vào hệ thống qua bể tuần hoàn vào buồng làm lạnh, đầu ra là sản phẩm nước đá. Tức là chỉ vài giây sau khi khởi động hệ thống, đầu ra sẽ là đá tuyết.

Tuy làm lạnh nhanh nhưng sự tan chảy của đá lỏng lại chậm hơn nhiều so với đá nước ngọt. Độ đậm đặc của đá lỏng cũng có thể được điều chỉnh tự động theo nhu cầu của người sử dụng.

Do đá được bơm từ máy đến các buồng bảo quản nên chủ tàu sẽ không phải tốn thêm nhân công đập, rải đá, vừa giảm chi phí lại không ảnh hưởng đến chất lượng cá do cạnh sắc của đá va vào trầy xước trong quá trình bảo quản.

 

Ở cấp độ ứng dụng ban đầu, hệ thống máy mới đạt công suất 1 tấn đá tuyết/ngày, trong khi nhu cầu tàu cá trong mỗi chuyến đi biển dài ngày có thể cần tới 50-60 tấn đá. Vì vậy nhóm nghiên cứu đang tiếp tục hoàn thiện công nghệ để có thể phát triển những máy làm đá công suất lớn hơn, phù hợp hơn cho hoạt động đánh bắt thủy sản xa bờ.

ThS Lê Văn Luân cho biết công trình nghiên cứu ứng dụng này được tài trợ một phần từ ngân sách Nhà nước, còn lại là đóng góp từ doanh nghiệp có quan tâm. Hiện đã có một doanh nghiệp thủy sản ở Bạch Long Vĩ (Quảng Ninh) ký thỏa thuận để tiếp tục phát triển sản phẩm.

An An (t/h)