Ít doanh nghiệp nông nghiệp tiếp cận được nguồn vốn

 Hiện tại, Việt Nam có rất nhiều luật cùng các nghị định, quyết định, thông tư để hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn không cần thế chấp khi đầu tư vào lĩnh vực khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nhưng thực tế chỉ có 21% doanh nghiệp được vay vốn.

Ngày 24-11, tại TPHCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội thảo về chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư nghiên cứu, ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Mục đích cuộc hội thảo là để lãnh đạo bộ nghe ý kiến của các doanh nghiệp, nhà quản lý về những khó khăn trong việc tiếp cận vốn khi đầu tư vào khoa học, công nghệ trong nông nghiệp.

Theo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn (IPSARD), tính đến nay, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nông lâm thủy sản trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ đã được quy định trong 7 luật và 17 nghị định của chính phủ, 14 quyết định của thủ tướng cùng rất nhiều thông tư của các bộ...

Đa phần những chính sách này tập trung vào những vấn đề như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế thuê đất, miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất, không chịu thuế giá trị gia tăng, hỗ trợ 100% lãi suất, cho vay thế chấp đến 80% giá trị dự án mà không cần có tài sản bảo đảm…

Tuy nhiên, trên thực tế, khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp nông lâm thủy sản còn rất hạn chế. Số liệu khảo sát của IPSARD ở 200 doanh nghiệp cho thấy, có 21% doanh nghiệp trả lời là vay vốn dễ dàng, còn lại 79% không thể vay vốn. Với một số hoạt động khác, việc tiếp cận tín dụng còn khó hơn, chẳng hạn như chỉ có 3% doanh nghiệp có thể tiếp cận tín dụng mua máy móc, 0,5% doanh nghiệp được hỗ trợ khi chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, và chỉ 1% số doanh nghiệp được hỗ trợ vốn xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp.

Theo một số doanh nghiệp, dù Chính phủ đã có những nghị định, quyết định nêu rõ, doanh nghiệp được vay 80% giá trị dự án mà không cần tài sản bảo đảm nhưng thực tế các ngân hàng không giải quyết nếu không có tài sản thế chấp.

Trong trường hợp có tài sản thế chấp thì số tiền được xét cho vay lại thấp hơn nhiều so với nhu cầu vay và so với tài sản thế chấp, theo ông Lê Văn Cường, Giám đốc Công ty Đà Lạt Gap, Lâm Đồng.

Ông Cường cho biết, để có vốn phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công ty không còn cách nào khác là phải vay ngân hàng bằng cách thế chấp tài sản là đất nông nghiệp. Mảnh đất này được thẩm định có giá là hơn 80 tỉ đồng, nhưng sau khi xem xét phía ngân hàng chỉ đồng ý cho vay 3 tỉ đồng. Điều này khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Làm sao để doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn dễ dàng hơn trong thời gian tới là vấn đề nhận được nhiều ý kiến góp ý của hội nghị lần này. Cũng trong hội nghị này, phía Bộ NN&PTNT cũng đưa ra cam kết sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ để sớm có những quyết định gỡ rối cho vấn đề tín dụng của doanh nghiệp.