Thử nghiệm thành công vắc-xin điều trị và ngăn ngừa ung thư da trên động vật

(SHTT) - Gần đây, Viện nghiên cứu Scripps Research và Đại học Texas, Mỹ đã thử nghiệm thành công loại vắc-xin có tác dụng điều trị và phòng ngừa một thể ung thư da mang tên ung thư hắc tố trên động vật với hiệu quả đạt tới 100%.

 Loại vắc-xin phòng ngừa đồng thời là thuốc điều trị ung thư hắc tố mới được thử nghiệm thành công có tên Diprovocim. Vắc-xin này có tác dụng kích thích hệ miến dịch của cơ thể nhằm tạo ra lớp bảo vệ chống lại sự hình thành và phát triển của ung thư hắc tố đồng thời, nó cũng có tác dụng như một loại thuốc công hiệu giúp cơ thể các bệnh nhân mắc loại ung thư da này có khả năng tiêu diệt khối ung thư hắc tố đã hình thành trong cơ thể trước đó. 

Ngoài ra, Diprovocim cũng có tác dụng giúp hệ miễn dịch của các cá thể được thử nghiệm chống lại các tác nhân dẫn tới sự tái phát của ung thư hắc tố về sau. 

 

Nhóm khoa học đã bắt đầu nghiên cứu bằng cách sàng lọc hiệu quả của 100.000 hợp chất có tác dụng như một chất tăng cường cho một loại thuốc điều trị ung thư có tên là anti-PD-L1. Chất này hoạt động như một loại thuốc an thần đối với các tế bào ung thư - các tế bào không còn có thể lẩn tránh khỏi các cuộc tấn công của hệ miễn dịch. Cuối cùng, các nhà khoa học đã tách ra một hợp chất gọi là Diprovocim, được gắn với các protein để hỗ trợ khả năng miễn dịch.

Các thí nghiệm thực tiễn của Diprovocim được các nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Scripps Research và Đại học Texas, Mỹ thực hiện trên 2 nhóm chuột bị u hắc tố với kết quả như sau: Nhóm thứ nhất dùng anti-PD-L1 cộng với Diprovocim, nhóm thứ 2 chỉ dùng anti-PD-L1. Kết quả, sau 54 ngày, trong nhóm thứ 2 không một con nào sống sót, trong khi chuột nhóm 1 đều khỏi bệnh.

 

Các con chuột thuộc nhóm thứ nhất sau khi hồi phục đã bị tác động cho nhiễm bệnh lần nữa nhưng thật bất ngờ, cơ thể của chúng đã hoàn toàn kháng lại được sự hình thành của tế bào ung thư hắc tố.

Đây là một phương pháp điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch, tức là vắc-xin này khi được đưa vào cơ thể sống, chất này sẽ đóng vai trò như chất kích thích giúp hệ miễn dịch của chính cơ thể sống vùng dậy chiến đấu với tế bào ung thư xấu xí đang gây hại và đào thải chúng ra khỏi cơ thể. 

Phương pháp này giúp hạn chế tác động của các hóa chất độc hại thường hay có trong các loại thuốc điều trị ung thư hiện nay lên cơ thể con người, đồng thời, tận dụng tối đa sức mạnh đề kháng của hệ miễn dịch trong cơ thể khiến cơ thể ít bị tổn hại hơn, ít chịu các tác dụng phụ do hóa chất trong quá trình điều trị hơn đồng thời cũng giúp hệ miễn dịch học được cách đào thải tế bào ung thư hắc tố và ngăn chặn sự quay lại của chúng.

Trong thời gian sắp tới, nhóm các nhà nghiên cứu này sẽ nhanh chóng tiến hành thử nghiệm vắc-xin lâm sàng trên cơ thể người thật. Nếu như thử nghiệm lâm sàng thành công, đây sẽ là bước tiến lớn cho những bệnh nhân ung thư da hiện nay, cũng như mở đường cho việc nghiên cứu ra các loại vắc-xin và thuốc điều trị cho các loại ung thư khác của con người hiện nay. 

 

Ung thư hắc tố là một trong những loại ung thư da nguy hiểm thường gặp ở con người, chúng là những khối u của tế bào sinh hắc tố Melanin xuất hiện trên da hay niêm mạc, đa số từ những nốt ruồi.

Các yếu tố dẫn tới ung thư hắc tố gồm có: Tiếp xúc với tia cực tím có trong ánh nắng mặt trời, Tiền sử gia đình có bố hoặc mẹ bị ung thư hắc tố, Đột biến gen, Hội chứng đa nốt ruồi dị sản gia đình, Da đen.

Hướng dẫn đổi đầu số 11 số về 10 số trong danh bạ điện thoại

Nấm Matsutake đắt đỏ nhất thế giới đang cháy hàng tại Việt Nam

Nissan triệu hồi hơn 165.000 xe ô tô lỗi đề điện

Mai An