Nam thanh niên quỳ gối cầm biển xin việc, đáng thương hay đáng trách?

Mấy ngày qua, thông tin và hình ảnh một nam thanh niên quỳ gối trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) cầm bảng có dòng chữ: “Tôi ở xã… xin làm ơn hãy cho tôi có việc làm là nhân viên bán hàng. Mong nhà tuyển dụng giúp đỡ tôi”, gây nhiều luồng dư luận. Hành động cầm bảng xin việc kiểu trên không phải là mới. Phải chăng, lòng tự trọng của một số ít thanh niên Việt đã bị đánh mất? 

Trước đó, cũng tại Hà Nội, một ông bố 9X khác cũng “đứng đường” cầm bảng xin việc để mua sữa cho con. Tấm bảng ghi: “Tôi vừa tốt nghiệp, tôi đã là bố. Tôi cần một công việc để mua sữa cho con. Bạn cần tuyển tôi. Liên hệ: ...”. Hành động của ông bố trẻ này nhận được một số lời chia sẻ cảm thông ít ỏi, còn lại là những lời chê trách: Phải chăng đây là một hành động ăn vạ xã hội?

Điểm đồng nhất giữa hai thanh niên trên là đều thuộc thế hệ 9X. Chỉ khác ở chỗ, ông bố xin việc mua sữa cho con là cử nhân, còn anh thanh niên quỳ gối ngoài đường mới đây (theo như thông tin của anh này) chỉ mới học hết lớp 6. Cả hai cùng chường mặt ra chỗ đông người, không ngại dị nghị, không ngại những ánh đèn flash của máy ảnh…

 Trước những hình ảnh khó coi trên, nhiều ý kiến của những bạn trẻ khác phản ứng việc làm này. Một bạn bày tỏ: “Thanh niên có sức thì đi làm hồ, cũng đủ tiền sống và chi tiêu lặt vặt. Không thì làm phụ quán ăn, quán nhậu. Chịu cực rồi sẽ có tiền đi học nghề. Có vậy mà cũng khóc, cũng quỳ”. Một ý kiến khác: “Không có việc thì lao động tay chân, ngoài đường thiếu gì việc làm”. Ý kiến gay gắt hơn: “Làm người mà dễ dàng quỳ gối thế? Ai muốn tuyển dụng một người như thế này?”.

Không chỉ có hai vụ việc trên mà còn những vụ việc khác nữa, mà những người bế tắc ra “đứng đường”, cầm biển kêu gọi tương trợ, giúp đỡ với những lời lẽ, những dòng tâm thư. Có chàng thí sinh trường y cầm bảng kêu cứu, rồi được tiếp nhận vào học và vô số những lời hứa hẹn về việc làm sau khi ra trường. Rồi có thí sinh thi vào trường cảnh sát, điểm cao nhưng chưa khai lý lịch cho đúng, chọn hình thức gần giống cầm bảng là viết… tâm thư, cũng được hỗ trợ kịp thời.

Và nếu ai cũng được giúp như trên, ai cũng được cả cộng đồng xúm vào kêu gọi trợ giúp thì người trẻ sẽ xem việc cái sai (dù ít) ở phía mình không có và chỉ cần tung hê qua việc cầm bảng, viết tâm thư xuất hiện tràn lan trên mạng, là được giải quyết thỏa đáng. Riết rồi, người trẻ chỉ chờ vào sự thương hại của cộng đồng để đạt được mục đích của mình. Và tất cả cho thấy, sự bất lực của những người trẻ kia đang hiển hiện. Đó là sự bất lực trong cách giải quyết vấn đề của họ khi chờ đợi vào phép màu, thay vì phải đi tìm cách để giải quyết. Và còn sự bất hợp lý của cả một bộ máy giải quyết những sự việc tồn đọng, đẩy người trẻ phải ra đứng đường.

“Đáng thương hay đáng trách”, qua hành động của bạn trẻ 9X quỳ gối cầm bảng xin việc kia? Xin đừng đổ lỗi cho giáo dục, cho cuộc sống, cho tất cả mọi thứ đang vận hành kia, mà hãy tập sống để giải quyết sự bế tắc của mình, thay vì chờ vào lòng thương hại của người khác.