Burbery thiêu hủy số lượng lớn hàng tồn kho để bảo vệ giá trị thương hiệu

(SHTT) – Mới đây, việc hãng thời trang cao cấp của Anh, Burberry thiêu hủy toàn bộ các mặt hàng mỹ phẩm và thời trang tồn kho đã tạo nên cơn sốt đối với tín đồ thời trang trên thế giới. Nhưng, trên thực tế, Burberry không phải là cái tên duy nhất sử dụng phương thức này.

Đối với ngành công nghiệp sản xuất các mặt hàng thời trang cao cấp, việc sản phẩm tồn kho là không thể tránh khỏi do tính chất theo mùa của các mẫu mốt.

 

Trong khi một số hãng thời trang cao cấp khác như Hermes hay Chanel lựa chọn phương thức an toàn hơn là thanh lý sản phẩm theo nhiều hình thức kín khác nhau thì Burberry lại lựa chọn cách tiêu cực nhất là tiêu hủy toàn bộ các sản phẩm tồn đọng trong âm thầm để tránh tình trạng “các con cưng” bị làm nhái hoặc đến tay người tiêu dùng không phù hợp.

Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, giá trị số hàng hóa mà Burberry mang đi tiêu hủy đã lên tới con số 105 triệu Bảng Anh. Hãng này thà tiêu hủy toàn bộ số sản phẩm còn hơn thu hồi chút vốn từ việc thanh lý vì cho rằng đó là cách duy nhất để bảo đảm vị thế, giá trị và sự độc nhất của từng món sản phẩm mang thương hiệu Burberry trên thị trường thời trang thế giới.

 

Một trong những lý do chính mà rất nhiều hãng thời trang bất chấp thua lỗ vẫn thực hiện hành vi lãng phí này là vì “Họ không muốn biến các sản phẩm của mình thành món hàng bình dân”, theo bà Orsola de Castro, chuyên gia có thâm niên trong ngành thời trang.

 

Theo nhận định của các chuyên gia, vấn nạn này của các hãng thời trang không chỉ gây lãng phí một lượng giá trị tiền của lớn mà còn là mối nguy lớn tới môi trường khi lượng sản phẩm mà các hãng này tiêu thụ không hề nhỏ.

Louis Vuitton và Hermes cũng là hai cái tên lớn góp mặt vào danh sách những nhãn hiệu thực hiện quy trình vòng đời hà khắc dành cho các sản phẩm của mình. Thường thì các lần đốt hàng tồn kho của những hãng này sẽ được thực hiện một cách kín đáo với số lượng người tham gia thực hiện cực nhỏ và hoàn toàn không có sự xuất hiện của các thiết bị quay phim, chụp ảnh.

Một số hãng cũng đã ý thức được tác động của việc đốt lượng lớn sản phẩm cùng 1 lúc nên đã liên kết với bên thứ 2 để tận dụng năng lượng của đống nguyên liệu cháy xa xỉ và một phần giảm bớt tác động tới môi trường. Ví dụ, vào năm ngoái, thương hiệu thời trang H&M cũng đã thiêu hủy 15 tấn quần áo của mình. Báo chí đã đưa tin về một nhà máy điện tại Thụy Điển đốt quần áo của H&M để sinh ra năng lượng thay vì than đá.

Kiều Ân