Cảnh báo: Nguy cơ ung thư cao từ máy sấy móng tay

(SHTT) - Máy sấy móng tay có tác dụng làm khô móng tay một cách nhanh chóng và thường được sử dụng trong các quán nails. Tuy nhiên ít ai biết rằng việc sử dụng máy sấy móng tay rất nguy hiểm, làm lão hóa da tay và đặc biệt, làm tăng nguy cơ ung thư.

Sơn móng tay gel giờ đã trở nên phổ biến, đôi khi là thói quen của không ít bạn gái. Vì vậy việc dùng máy sấy móng tay để làm khô lớp sơn nhanh cũng dần trở nên quen thuộc. 

Tuy nhiên các nghiên cứu gần đây đã khiến các tín đồ làm đẹp phải lo lắng về mức độ nguy hiểm của loại máy này.

Tờ báo điện tử Asia One (Singapore) đưa tin, theo kết luận từ nghiên cứu mới nhất được đăng tải trên Tạp chí Da liễu Australasian, sử dụng máy sấy móng tay UV để làm khô lớp sơn - đặc biệt là sơn móng tay dạng gel – có khả năng dẫn tới ung thư da.

 

Các nhà khoa học ở trường Đại học Y New York (Mỹ) cũng phát hiện thấy máy sấy móng tay tia UV có thể gây tổn thương da giống như khi nằm phơi nắng. Có nghĩa, để đổi lấy một bộ móng đẹp, bạn phải chấp nhận da tay sẽ nhanh bị nhăn nheo, lão hóa.

Cụ thể, đèn phát ra tia cực tím làm khô và cứng nhanh sơn móng tay, chân có thể gây hại cho da chỉ trong 8 lần sử dụng.

Các nhà khoa học đã thu được kết quả trên sau khi nghiên cứu 17 loại đèn khác nhau có sử dụng tia cực tím. Dù bức xạ cực tím không cao, nhưng phụ nữ có thể bị tổn thương ADN khi đi sơn móng chân móng tay từ 8 đến 14 lần.

Nghiên cứu của tạp chí da liễu JAMA cho thấy cứ 8 phút các tia UV phơi nhiễm 1 lần. Những tổn thương do tia cực tím gia tăng theo cấp số nhân. Theo đó, mỗi khách hàng dùng dịch vụ sấy móng tay UV ở cấp độ cao nhất trung bình 8 lần/2năm da có thể bị tổn thương nghiêm trọng, dẫn đến ung thư da. Ngược lại, nếu như sử dụng máy sấy móng cấp độ thấp, lượng bức xạ giảm đáng kể, ít có nguy cơ gây ung thư.

 

Quỹ Ung thư da (SCF) khuyến cáo nên bôi kem chống nắng lên tay 20 phút trước khi làm móng tay và hạn chế để ngón tay tiếp xúc quá lâu với tia UV. 

Cần phải nói rõ rằng, trong kem chống nắng chứa một lớp các phân tử được "thiết kế" để giảm lượng tia UV tiếp xúc với bề mặt da.

Các phân tử này tạo nên một hàng rào bảo vệ, vừa hấp thụ (hóa học) hoặc phản xạ (vật lý) photon UV trước khi chúng được hấp thụ bởi ADN và các phân tử hoạt động sâu trong da người.

Từ đó, kem chống nắng giúp bảo vệ ADN của con người trước tác hại của tia UV, đồng nghĩa với việc làm giảm nguy cơ ung thư da tới 40 - 50%. Tuy nhiên, Tony Reeder, giáo sư y học xã hội và phòng ngừa của Đại học Otago khuyến cáo người dân nên tránh hoàn toàn các loại đèn này nhằm bảo vệ sức khỏe. Ông cũng tiết lộ, mặc dù một số người đã bôi kem chống nắng lên tay trước khi dùng đèn UV nhưng kem chống nắng không thể bảo vệ toàn bộ da bạn khỏi ảnh hưởng.

Vân Hà