BIDV tiếp tục xin mở ngân hàng tại Myanmar

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết họ tiếp tục theo đuổi kế hoạch mở ngân hàng tại Myanmar và hy vọng năm nay dự định này sẽ thành hiện thực.

BIDV là ngân hàng Việt Nam đầu tiên có văn phòng đại diện và hoạt động tại thị trường Myanmar và cũng là ngân hàng Việt Nam đầu tiên theo đuổi kế hoạch thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại thị trường này, song năm ngoái khi Chính phủ Myanmar cấp phép đợt đầu cho một số ngân hàng nước ngoài thì BIDV không đạt một số tiêu chí, trong đó có tiêu chí về quy mô vốn.

BIDV có còn theo đuổi kế hoạch này nữa hay không? Trả lời TBKTSG Online mới đây, Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà cho biết ông hy vọng BIDV sẽ sớm được Myanmar cấp phép.

“Chúng tôi đã đệ trình đơn lên Tổng thống Myanmar về việc đăng ký xin thành lập ngân hàng con 100% vốn nước ngoài của BIDV tại Myanmar. Trong đợt đầu (năm 2014), chính phủ Myanmar đã cấp phép cho 8 đơn vị trong đó không có ngân hàng Vệt Nam vì có những lý do tế nhị. Tuy nhiên, trong các cuộc gặp cấp cao khi các nhà lãnh đạo Việt Nam thăm chính thức Myanmar, họ đều khẳng định rằng trong đợt hai sẽ cấp phép cho BIDV”.

Ông Hà nói tiếp: “Trong bộ hồ sơ xin cấp phép cho ngân hàng tại Myanmar chúng tôi được Ủy ban Giám sát tài chính nhà nước của chính phủ bạn đánh giá là bộ hồ sơ nằm trong top chuẩn nhất. Chúng tôi hy vọng năm nay sẽ mở được ngân hàng tại Myanmar.”

Trước đó, phát biểu trước đại hội đồng cổ đông năm 2015, ông Hà cho biết, sau khi ngân hàng MHB sáp nhập vào BIDV các kế hoạch và phương án kinh doanh sẽ phải điều chỉnh lại, chắc chắn các chỉ tiêu sẽ đều tăng lên. Ví dụ, đến hết quí 1-2015 tăng trưởng tín dụng của BIDV là hơn 4% và kế hoạch cả năm là tăng trưởng tín dụng 13% song có thể con số này sẽ được nâng lên 16%.

Bài toán hậu sáp nhập của hai ngân hàng tới đây đầu tiên phải ổn định để phát triển, thứ hai phải xây dựng được kế hoạch kinh doanh trong 3 năm và thứ ba phải đảm bảo ngân hàng sau sáp nhập sẽ mạnh lên cả về quy mô, thị phần, năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh.