Hiệp hội Hồ tiêu lên tiếng vụ nghi trộn phế phẩm cà phê vào tiêu

(SHTT) - Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) vừa chính thức lên tiếng về vụ việc các cơ sở trộn hỗn hợp phế phẩm cà phê với sỏi đá vào hồ tiêu để tăng trọng lượng.

Hiệp hội Hồ tiêu lên tiếng vụ nghi trộn phế phẩm cà phê vào tiêu. Ảnh: Tiền Phong 

Việc doanh nghiệp trộn pin vào hồ tiêu để tăng trọng lượng, Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam cho rằng đây là hành vi gian lận thương mại vô cùng nghiêm trọng, nguy hại tới sức khoẻ người tiêu dùng và lên án hành động vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của 2 doanh nghiệp tại Đắk Nông và Bình Phước.

Hiệp hội cũng khẳng định sự việc đã ảnh hưởng tới thương mại và hình ảnh của ngành hồ tiêu Việt Nam. Tuy nhiên, sự việc là nhỏ lẻ và mới xảy ra, nên phần nào mức độ tác động là không lớn. Theo Zing.vn

VOV.VN đưa tin, VPA khẳng định, là ngành hàng xuất khẩu đứng đầu thế giới về sản lượng và giá trị trong nhiều năm, xuất khẩu trên 100 quốc gia, ngành hồ tiêu Việt Nam là ngành được các doanh nghiệp đầu tư mạnh với 20 Nhà máy xử lý chế biến Hồ tiêu sạch đạt chuẩn Quốc tế về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Các doanh nghiệp của VPA luôn vì uy tín thương hiệu của doanh nghiệp mình nên rất cẩn trọng trong khâu kiểm soát chất lượng, đặc biệt ngay từ khâu thu mua.

Tuy vậy, từ sự việc vừa qua, các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu Hồ tiêu của VPA thêm một lần nữa càng cẩn trọng hơn với việc mua bán Hồ tiêu nguyên liệu từ các đại lý, không mua của những nhà cung ứng mà kiểm tra hàng mua không đạt yêu cầu chất lượng, không ham mua rẻ cũng như không chấp nhận các hợp đồng xuất khẩu với giá trả quá thấp so với giá thị trường tại thời điểm của một vài nhà nhập khẩu.

VPA cũng kiến nghị các cơ quan quản lý thị trường các địa phương tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát và xử lý mạnh với các cơ sở thu mua nông sản ở các địa phương, đặc biệt là các cơ sở nhỏ lẻ, các chợ truyền thống (nơi hạt tiêu có thể bán cho người tiêu dùng trong nước).

Báo ĐSPL đưa tin, trước đó, ngày 26/4, UBND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức buổi họp thông tin kết quả điều tra vụ pha trộn hỗn hợp phế phẩm cà phê nhuộm dung dịch pin Con Ó tại cơ sở thu mua nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (SN 1975, ngụ thôn 13, xã Đăk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông).

Tại buổi họp báo, Đại tá Lê Vinh Quy cho biết, cơ sở của bà Loan bắt đầu sản xuất hỗn hợp trên từ tháng 1/2018 và sản xuất được 3 tấn.

Sau đó, bà Loan bán 3 tấn hỗn hợp trên cho bà Lê Thị Hồng Thơ và Trần Văn Tuấn với giá 9.000 đồng/kg. Sau khi mua hỗn hợp trên từ bà Loan, Thơ và Tuấn bán lại 3 tấn hỗn hợp trên cho bà Phan Thị Dung, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại Thảo Dung (ấp Hưng Thủy, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) với giá 12.000 đồng/kg.

Sau khi mua khối lượng 3 tấn này, bà Dung đã trộn tạp chất nhuộm pin nói trên vào hạt tiêu với tỉ lệ 18,34%.

Mạnh Trường (t/h)