Vụ xe khách va chạm xe cứu hỏa: Thêm thông tin mới

(SHTT) - Liên quan đến vụ việc xe khách va chạm xe cứu hỏa làm 1 chiến sỹ PCCC tử vong và nhiều người khác bị thương, mới đây luật sư đã chia sẻ thêm một số thông tin mới.

Sáng ngày 2/4, trao đổi với phóng viên Dân trí, anh Đỗ Hùng Mạnh (SN 1981, trú ở huyện Hậu Lộc – Thanh Hóa, người điều khiển xe khách trong vụ tai nạn nói trên) cho biết, chân anh vẫn đau chưa tự đi lại được. Từ khi xảy ra tai nạn đến nay, cơ quan chức năng mới chỉ về làm việc với anh 1 lần và anh Mạnh cũng chưa rõ sự việc này sẽ được giải quyết như nào.

Anh Mạnh cho biết thêm, hiện anh đã được Luật sư Trần Thu Nam (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đồng ý hỗ trợ pháp lý miễn phí.

Cũng trong sáng nay, xác nhận với phóng viên Dân trí, Luật sư Trần Thu Nam cho biết, anh đã đồng ý hỗ trợ pháp lý miễn phí cho anh Đỗ Hùng Mạnh trong vụ việc trên.

Theo Luật sư Nam, về vụ tai nạn nói trên, đến nay cơ quan tố tụng chưa khởi tố vụ án nên anh tham gia với tư cách là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và trợ giúp pháp lý cho tài xế xe khách.

Việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp ở đây có nghĩa bởi vì tài xế Đỗ Hùng Mạnh bị rách chân, phải khâu 20 mũi, mất thu nhập, đồng thời, nam tài xế này còn liên quan vấn đề đền bù dân sự với người thứ 3, như thiệt hại của xe cứu hỏa, hành khách bị thương,...

“Hoàn cảnh gia đình tài xế Mạnh cũng rất khó khăn nên tôi quyết định hỗ trợ pháp lý miễn phí. Đây là vụ việc phức tạp vì liên quan đến chiến sĩ Cảnh sát PCCC nên tôi có bảo thêm một số luật sư khác nữa cùng tham gia để có cái nhìn khách quan hơn, hiện có khoảng 4-5 luật sư đồng ý hỗ trợ pháp lý miễn phí cho tài xế Mạnh” – Luật sư Nam cho biết thêm.

Hiện trường xảy ra vụ tai nạn trên cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ. Ảnh: Dân Việt 

Trước đó, theo thông tin trên tờ Đất Việt, chiều ngày 22/3, anh Đỗ Hùng Mạnh (37 tuổi, lái xe khách đâm xe cứu hỏa) cho biết đã làm việc với Công an TP. Hà Nội về những nội dung liên quan đến vụ tai nạn xảy ra trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ khiến 1 chiến sĩ cảnh sát PCCC tử vong và 8 người khác bị thương.

"Do chân tôi vẫn còn rất đau, chưa thể di chuyển xa được nên công an đã về địa phương làm việc. Buổi làm việc cũng không quá căng thẳng, có như nào tôi khai như vậy" - anh Mạnh nói.

Phân tích vụ việc, một số chuyên gia vật lý phân tích, thời điểm xảy ra tai nạn anh Mạnh đang chạy với vận tốc 87km/giờ, tương đương khoảng 22m/giây. Trong đoạn băng ghi hình cho thấy, chiếc xe cứu hỏa bắt đầu nhập đường cao tốc đến khi xảy ra tai nạn khoảng 7 giây. Như vậy, lúc đó xe khách đang cách xe cứu hỏa khoảng 150m.

Trong khi Thông tư năm 2015 của Bộ GTVT, với đoạn đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ khoảng cách tối thiểu giữa các xe là 100m để đủ khả năng xử lý khi có chướng ngại vật. Như vậy, với khoảng cách 150m, tại sao tài xế xe khách lại không kịp né tránh?

Cũng theo Đất Việt, anh Mạnh phủ nhận điều này. Theo tài xế xe khách, thời gian lúc xảy ra tai nạn rất nhanh, chỉ khoảng từ 2 - 3 giây.

"Thời điểm xe cứu hỏa nhập làn, đi ngược đường cao tốc tôi chỉ cách đó vài chục mét. Đến khi xe cứu hỏa tiến sang làn ngoài cùng đường cao tốc thì tôi đã ở rất gần, không thể xử lý kịp..." - anh Mạnh kể.

Theo anh Mạnh, có ở trong tình huống thực tế mới thấy được thời gian ngắn và gấp rút như thế nào. Anh Mạnh nói:

"Nếu ngồi ở nhà bình tĩnh nghĩ lại cách xử lý trong tình huống đó như thế nào thì không khách quan. Bởi thực tế, khi gặp chướng ngại vật trong khoảng cách ngắn như vậy, bất cứ ai cũng cảm thấy giật mình".

Mai Anh (t/h)