Thực hư thông tin tìm được thi hài của Tào Tháo

(SHTT) - Lăng mộ Tào Tháo vẫn luôn là một điều bí ẩn suốt hàng ngàn năm qua. Tuy nhiên mới đây, giới khảo cổ Trung Quốc khẳng định chắc nịch rằng họ đã tìm được thi hài của Tào Tháo. Thông tin này hiện vẫn đang gây ra nhiều tranh cãi.

Thông tin được các chuyên gia thuộc Viện di sản văn hóa và khảo cổ Hà Nam (Trung Quốc) công bố trên báo Sao Đỏ ngày 25/3 khiến nhiều người kinh ngạc.

Họ khẳng định những gì còn sót lại bên trong hầm mộ Cao Lăng là của một người đàn ông trong khoảng độ tuổi 60. Người đó không ai khác chính là Ngụy vương Tào Tháo - một nhân vật có thật trong lịch sử Trung Quốc nhưng thường được biết đến qua những nét khắc họa trong tiểu thuyết nổi tiếng Tam Quốc diễn nghĩa viết vào thế kỷ 14 của La Quán Trung.

 Toàn cảnh khu vực Cao Lăng đang được tiến hành khai quật

Tào Tháo được chôn trong huyệt mộ chính, còn 2 người phụ nữ thì chôn trong một huyệt mộ phụ kề bên.

Đội khảo cổ cho biết, 3 di cốt này được tìm thấy trong mộ, trong đó bộ hài cốt đàn ông còn khá hoàn chỉnh; còn 2 người phụ nữ thì một già, một trẻ; người già khoảng 50 tuổi, người trẻ khoảng 20 tuổi; nhưng bộ di cốt người phụ nữ trẻ hơn không còn nguyên vẹn, cần phải đợi giám định thêm.

Dù danh tính của 2 bộ hài cốt này vẫn chưa được xác định, nhưng nhiều người cho rằng đó là 2 người vợ của Tào Tháo. Người phụ nữ lớn tuổi là Biện Thị, mẹ của Tào Phi trong khi người còn lại là Lưu Thị, mẹ của Tào Ngang.

 Tào Tháo được khắc họa như một gian hùng trong tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung và các bộ phim được xây dựng trên tiểu thuyết này

Theo các thông tin được đăng tải trên truyền thống Trung Quốc, khu mộ này là một quần thể phức hợp được cây cối bao bọc xung quanh với phần cấu trúc trên mặt đất bị phá hủy nặng nề được cho là nhằm mục đích khiến nó khó bị phát hiện và cướp bóc.

Tuy nhiên, dựa vào quy mô và các di vật được tìm thấy trong quá trình khai quật, các chuyên gia cho rằng Tào Tháo được chôn cất dưới nghi thức như một hoàng đế.

Điều này cho thấy có vẻ như Tào Phi đã không tuân theo di chúc của cha, khi quyết định an táng Tào Tháo tại nơi có kiến trúc rộng hàng ngàn mét vuông.

 Khu vực bên trong lăng mộ bị khai quật

Theo ghi chép trong Tam Quốc chí, Tào Tháo từng ban lệnh rằng sau khi ông chết thì mai táng đơn giản ở một khu đất cao phía Tây đền Tây Môn Báo, không xây mộ, không trồng cây.

 Tuy nhiên, để đề phòng người đời sau đào trộm mộ cha, tìm kho báu, Tào Phi được cho là đã ra lệnh phá hủy những kiến trúc nổi trên mặt đất. Các nhà khảo cổ Trung Quốc cho biết, điều này cho thấy di chỉ lăng mộ không bị hủy hoại do thiên nhiên hoặc những kẻ thù.

"Mặc dù công việc khai quật vẫn tiếp tục, song những bằng chứng mà chúng tôi đã tìm thấy chứng tỏ rằng ngôi mộ là nơi yên nghỉ của Tào Tháo", Guan Qiang, giám đốc phòng Khảo cổ thuộc Cục quản lý di sản văn hóa Trung Quốc, khẳng định.

 

Guan cho hay ngôi mộ đã bị ăn trộm nhiều lần trước khi các nhà khảo cổ bắt đầu khai quật nó vào tháng 12 năm ngoái. Cảnh sát đang nỗ lực thu hồi những đồ vật bị đánh cắp. Chính quyền tỉnh Hà Nam và thành phố An Dương sẽ cho phép người dân tham quan ngôi mộ.

Thanh Hà