Làng nghề gỗ trong bối cảnh hội nhập

(SHTT) - Ngày 19/1, tại Hà Nội Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phối hợp với tổ chức Forest Trends tổ chức Hội thảo: “Làng nghề gỗ trong bối cảnh hội nhập: Thực trạng và lựa chọn chính sách”.

Hội thảo tổ chức với mục tiêu: Chia sẻ thông tin về thực trạng sản xuất, kinh doanh các hộ sản xuất chế biến 5 làng nghề gỗ vùng đồng bằng sông Hồng; Thảo luận và đưa ra các kiến nghị về chính sách nhằm giảm thiểu khó khăn, giúp làng nghề phát triển bền vững trong tương lai…

Việt Nam có khoảng trên 300 làng nghề chế biến gỗ, nhưng chỉ số ít làng nghề có khả năng tạo ra các sản phẩm có giá trị cao phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Các làng nghề chế biến gỗ phải đương đầu với nhiều khó khăn trong việc thiếu chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, thị trường xuất khẩu trọng điểm thu hẹp,... dẫn tới các đơn hàng vừa giảm, vừa khó thực hiện. Đồ gỗ Việt chỉ chiếm khoảng 40% tổng giá trị thương mại, phần còn lại là các sản phẩm đồ gỗ cao cấp nhập khẩu từ Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Singapore...

 Làng nghề gỗ trong bối cảnh hội nhập

 Tại Hội nghị nhiều ý kiến của đại diện các làng nghề, các nhà quản lý nghiên cứu chính sách cho rằng: Bên cạnh những dịch chuyển tích cực là những rủi ro và khó khăn to lớn mà các hộ trong làng nghề đang phải đối mặt. Như việc giao dịch giữa các hộ trong làng, bao gồm giao dịch giữa hộ kinh doanh gỗ nguyên liệu và hộ sản xuất chế biến đồ gỗ, giữa các hộ sản xuất và người mua đồ gỗ sau chế biến là các giao dịch miệng và hầu như không có bất cứ bằng chứng pháp lý nào minh chứng cho tính hợp pháp của gỗ và sản phẩm sau chế biến.

Ông Đặng Việt Quang, Chuyên gia nghiên cứu của Tổ chức Forest Trends cho rằng, hạn chế về hiểu biết và mối quan tâm của hộ tại các làng nghề hiện nay một phần là do các cơ chế thực thi luật pháp cấp địa phương, đặc biệt là cấp xã và huyện còn thiếu và yếu. Đến nay, các tương tác giữa các hộ và các cơ quan quản lý rất hạn chế. Các tương tác nếu có chủ yếu tập trung vào các nhóm đối tượng là các hộ kinh doanh gỗ nguyên liệu và các doanh nghiệp, là các chủ thể có quy mô sản xuất kinh doanh lớn hơn nhiều so với quy mô của các hộ. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ chưa nhận được mối quan tâm của các cơ quan quản lý, bởi quy mô nhỏ lẻ và không có vai trò trong tạo nguồn thu cho ngân sách.

Các rủi ro, khó khăn, hạn chế về hiểu biết và mối quan tâm của các hộ trong làng nghề về tính pháp lý của nguồn gỗ nguyên liệu và sản phẩm gỗ sau chế biến, về sử dụng lao động, tuân thủ quy định về môi trường… là các đặc điểm nổi bật của một ngành kinh tế phi chính thức. Hoạt động của các hộ tại làng nghề là hoạt động phi chính thức, bởi hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ tại làng nghề chưa được công nhận một cách chính thống bởi hệ thống pháp luật hiện hành. Con số 74,5% số hộ được khảo sát tại 5 làng nghề không đăng kí kinh doanh, 64% số hộ không có mặt bằng sản xuất, phải sử dụng không gian sống của gia đình, 100% lao động thuê bởi các hộ là hợp đồng miệng, khoảng 90% các giao dịch giữa các hộ sản xuất và hộ cung gỗ nguyên liệu, giữa hộ bán sản phẩm sau chế biến và người mua thiếu các bằng chứng về tính hợp pháp của gỗ, v.v. là các khía cạnh cơ bản phản ánh hoạt động sản xuất kinh doanh phi chính thức tại các làng nghề.

Ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, cần có sự liên kết giữa các làng nghề, đủ sức cạnh tranh và cung cấp sản phẩm đáp ứng yêu cầu của hội nhập thị trường quốc tế, thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới. Sản phẩm mộc thủ công Việt Nam sẽ dễ dàng chinh phục được những thị trường khó tính trên thế giới. Các làng nghề cũng cần quan tâm ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và trong thiết kế, sáng tạo mẫu mã sản phẩm. Đồng thời, tổ chức các lớp đào tạo nghề đảm bảo nguồn lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường.

B Huyền