Bộ trưởng GTVT nói gì về hướng giải quyết trạm BOT Cai Lậy?

(SHTT) - Theo người đứng đầu ngành giao thông, các cơ quan Kiểm toán, Uỷ ban kiểm tra Trung ương, thanh tra đã vào cuộc với các dự án, trong đó có BOT Cai Lậy, nên cần chờ kết luận của các cơ quan này.

Bộ trưởng GTVT nói gì về hướng giải quyết trạm BOT Cai Lậy?

Zing.vn đưa tin, chiều 18/1, Bộ GTVT họp báo triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018 của ngành giao thông vận tải và một số nội dung liên quan đến các dự án BOT. Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết điểm nóng đầu tiên là BOT Bến Thủy, sau đó lan sang các trạm BOT khác.

Bộ trưởng Thể khẳng định ở các tỉnh miền Nam, điểm nóng xuất hiện tại các trạm BOT bắt đầu từ 2017, trong đó có BOT Cai Lậy (Tiền Giang). Đến nay, trạm này đã dừng thu phí. Cuối tháng 11, Bộ GTVT đồng ý cho trạm BOT Cai Lậy thu phí trở lại. Tuy nhiên, chủ đầu tư phải ngưng vì có nhiều phản ứng từ người dân.

Bộ trưởng GTVT nói ngày 4/12, Thủ tướng yêu cầu dừng thu phí BOT Cai Lậy từ 1 đến 2 tháng để Bộ GTVT trình phương án xử lý. Bộ đã làm rất nghiêm túc, phương án giải quyết phải là giải pháp tổng thể.

Thủ tướng đang giao các bộ rà soát phương án của Bộ GTVT trình. “Chúng tôi chưa biết Chính phủ sẽ chọn phương án nào”, Bộ trưởng Thể nói và cho hay Thủ tướng đã giao Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì việc này.

Về các đề xuất của Bộ GTVT, ông Thể cho biết một trong các phương án là đặt 2 trạm BOT ở quốc lộ 1 và tuyến tránh Cai Lậy.

Tài xế trả tiền lẻ gây ùn tắc giao thông tại trạm thu phí Cai Lậy. Ảnh: VnExpress

Trong khi đó theo VnExpress, về các quyết định, hợp đồng liên quan BOT Cai Lậy, ông Thể cam đoan: "Với trách nhiệm là người trực tiếp ký hợp đồng BOT Cai Lậy, tôi khẳng định không có tư túi, lợi ích nhóm trong dự án, không bẻ cong sự thật".

Theo người đứng đầu ngành giao thông, các cơ quan Kiểm toán, Uỷ ban kiểm tra Trung ương, thanh tra đã vào cuộc với các dự án, trong đó có BOT Cai Lậy, nên cần chờ kết luận của các cơ quan này.

7 bộ chịu trách nhiệm

Báo Vietnamnet, dẫn lời Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đa số dự án BOT do địa phương đề xuất, Bộ GTVT thấy phù hợp mới triển khai. Do đó, trách nhiệm của các địa phương là rất lớn, còn Bộ GTVT chịu trách nhiệm về mức đầu tư, phương án... 

“Dự án BOT có 7 bộ ngành chịu trách nhiệm. Một số dự án BOT nóng, không chỉ có trách nhiệm của Bộ GTVT mà trách nhiệm của cả địa phương vì các địa phương đã đồng ý”, ông Thể nói.

Theo ông Thể, với một số dự án địa phương đề xuất di dời trạm BOT, Bộ GTVT không đủ thẩm quyền, vì Bộ cũng chỉ là một trong các bên, nên sẽ báo cáo Chính phủ tính toán.

Về giải pháp đưa ra để tránh gây bất ổn xã hội khi một số trạm BOT bị phản ứng, người đứng đầu ngành giao thông cho hay, sẽ xem xét các phản ứng hợp lý của người dân để điều chỉnh cho tốt.

“Với phản ứng không chính đáng, ảnh hưởng đến dòng xe lưu thông là trái pháp luật. Bộ GTVT đã có chủ trương tất cả các trạm phải xả khi ùn tắc đến bao nhiêu km, nếu trạm nào không thực hiện, chính quyền địa phương sẽ xử lý nghiêm”, ông Thể nói.

Lan Anh (t/h)