Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi sẽ giúp gỡ bỏ nhiều rào cản

(SHTT) - Năm 2024, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tập trung xây dựng luật, lập đề nghị xây dựng bốn Luật sửa đổi, trình Chính phủ năm Nghị định liên quan đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

 Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, trong năm 2023, Bộ đã nỗ lực hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn. Bên cạnh hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều hoạt động của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đóng góp vào các mục tiêu tăng trưởng.

Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đã được cụ thể hóa bằng 44 chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025 và đến năm 2030, cân đối cho cả ba lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kỹ thuật và công nghệ.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, năm 2024, Bộ tiến hành một loạt nhiệm vụ trọng tâm như: Triển khai các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về khoa học và công nghệ, phát triển công nghệ sinh học...; sửa đổi, bổ sung các luật liên quan lĩnh vực khoa học và công nghệ, nghị định của Chính phủ về đầu tư, tài chính, cơ chế tự chủ...

 

Trong số các nhiệm vụ này, việc xây dựng dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) được coi là nhiệm vụ quan trọng của ngành trong năm 2024 bởi trong bối cảnh yêu cầu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ngày càng cao. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ là cần thiết nhằm hoàn thiện thể chế pháp luật, từ đó thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.

Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ tập trung vào 6 chính sách: Hoàn thiện quy định về thành lập, đăng ký và hoạt động của tổ chức khoa học, công nghệ; hoàn thiện quy định đối với cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ; hoàn thiện quy định về nhiệm vụ khoa học, công nghệ; sửa đổi, bổ sung quy định về đầu tư, tài chính phục vụ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hoàn thiện quy định để thúc đẩy hội nhập quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái cho biết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ sẽ tháo gỡ các rào cản về hệ thống chính sách, pháp luật, kinh tế, tài chính… liên quan đến khoa học và công nghệ theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế; các chính sách, pháp luật đảm bảo tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo; việc chấp nhận rủi ro, mạo hiểm và độ trễ trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là đột phá chiến lược.

Thực tế, quá trình phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vẫn còn một số tồn tại, khó khăn đối với các cơ sở nghiên cứu khi cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm chưa được triển khai một cách đồng bộ.

Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách đãi ngộ cho các nhà nghiên cứu chưa “xứng tầm". Mục tiêu để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ tốt hơn cho sự phát triển của đất nước cũng chưa đạt như mong muốn.

Việc xác định đề tài, nhiệm vụ, quản lý các chương trình khoa học và công nghệ cũng đang gặp vướng mắc từ việc tuyển chọn nhiệm vụ, quản lý, thời hạn nghiệm thu cũng như thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo động lực thương mại hóa công nghệ.

Hà Châu