Hải Dương: Tăng cường kiểm soát, 'thanh trừng' hàng giả

(SHTT) - Thời gian qua, Cục Quản lý thị trường Hải Dương đã tích cực vào cuộc kiểm tra, kiểm soát, quyết liệt đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả. Tuy nhiên công tác xác minh nguồn gốc hàng hóa nhập lậu vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

 Liên tiếp thu giữ số lượng lớn hàng hóa không rõ nguồn gốc

Ngày 19/1, thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương cho biết, Đội Quản lý thị trường số 3 đã phối hợp Công an huyện Gia Lộc (Hải Dương) kiểm tra, phát hiện hàng trăm đôi giày giả mạo nhãn hiệu đang được chở đến nơi tiêu thụ.

Theo đó, vào chiều cùng ngày, tổ công tác khám xe ô tô mang BS 15D-024.48 do ông Lê Duy Dũng (trú tại thôn Hương Cát, xã Duy Hải, thị xã Duy Tiên, Hà Nam) điều khiển.

Tại thời điểm kiểm tra phát hiện trên xe đang vận chuyển 820 đôi giày thể thao có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu NIKE, Asics đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Lái xe Lê Duy Dũng khai nhận là chủ sở hữu số hàng hóa nêu trên. Lái xe không xuất trình được bất kỳ giấy tờ nào liên quan nguồn gốc xuất xứ; toàn bộ hàng hóa là hàng giả mạo nhãn hiệu được vận chuyển đi bán kiếm lời.

Trước đó, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương cũng đã ký ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh Vũ Đức Chung (địa chỉ: số 72 phố Nguyễn Ngọc Hàm, phường Việt Hòa, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương) do ông Vũ Đức Chung (sinh năm 1982) là chủ hộ về hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu với tổng số tiền 18 triệu đồng, tịch thu 450 chiếc quần dài nỉ giả mạo nhãn hiệu “adidas” ; 320 đôi tất chân giả mạo nhãn hiệu “adidas” và “hình”; 210 đôi tất chân giả mạo nhãn hiệu “nike” và “lô gô hình lưỡi liềm của nike”.

Vào tháng 8 năm 2023, cơ sở này cũng đã bị Cục Quản lý  thị trường tỉnh Hải Dương xử phạt 23,5 triệu đồng về 2 hành vi: Buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định, đồng thời tịch thu 254 chiếc áo phông cộc tay giả mạo nhãn hiệu "yody và hình".

Liên quan đến vấn đề hàng giả, hàng nhái, ngày 18/12/2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương đã tổ chức tiêu hủy 67,116 đơn vị sản phẩm hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa không đủ điều kiện lưu hành với tổng trị gia hàng hóa vi phạm bị tiêu hủy gần 1,2 tỷ đồng.

Các loại hàng hóa vi phạm hành chính bị tịch thu, tổ chức tiêu hủy chủ yếu là nhóm sản phẩm may mặc (quần áo, giầy, dép, tất, túi xách… giả mạo nhãn hiệu các loại); nhóm sản phẩm kim khí, điện máy, thiết bị điện, điện tử (lưỡi cưa, lưỡi cắt, phụ tùng xe máy, bóng đèn, cầu chì, … giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đủ điều kiện lưu hành các loại); nhóm sản phẩm thực phẩm, thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng, cá nhân các loại (dầu gội đầu, xà phòng, hỗn hợp trợ nhuộm dùng cho tóc, thực phẩm chức năng, dao cạo, đồ chơi trẻ em… giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đủ điều kiện lưu hành các loại) bị phát hiện, xử lý trong thời gian qua.

 

Tích cực 'thanh trừng' hàng giả, hàng nhái

Câu chuyện hàng giả không phải là vấn đề mới nhưng chưa bao giờ là cũ. Trên địa bàn Hải Dương, các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả vẫn diễn biến phức tạp với nhiều loại mặt hàng đa dạng về mẫu mã, chủng loại, thâm nhập vào nhiều phân khúc của thị trường, len lỏi từ những phiên chợ ở nông thôn đến những cửa hàng, cơ sở kinh doanh ở thành thị. Nhiều hàng giả được sản xuất, “phù phép” bằng công nghệ hiện đại nên giống hàng chính hãng đến mức khó mà phân biệt.

Theo cơ quan chức năng, Hải Dương là địa bàn trung chuyển nên việc quản lý đối tượng, xác minh nguồn gốc hàng hóa nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại gặp rất nhiều khó khăn. Đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Công tác trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng có lúc chưa thường xuyên. Việc phối hợp kiểm tra, bắt giữ các đối tượng, phương tiện vận chuyển hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm còn chưa chặt chẽ do phân chia về địa giới hành chính. Công tác cấp phép, thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế.

Đồng chí Vũ Minh Hải, Trưởng Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp (Cục Quản lý thị trường tỉnh) cho biết: "Nhiều đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Cơ quan chức năng khó phát hiện nơi kinh doanh hoặc kho chứa hàng của các đối tượng".

Để bảo đảm quyền lợi, sức khỏe của người dân khi mua sắm hàng hóa dịp Tết và phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, thời gian tới, cơ quan chức năng các cấp của tỉnh tiếp tục tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm về việc đầu cơ găm hàng, niêm yết giá; các trường hợp kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng hóa gian lận nguồn gốc, xuất xứ.

Các nhóm hàng hóa được tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, có thuế suất cao, hàng hóa có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết Nguyên đán như điện tử, điện lạnh, quần áo, giầy dép, bánh kẹo, hoa quả, thuốc lá điếu, thuốc lá thế hệ mới, rượu bia, nước giải khát, thực phẩm tươi sống, thức ăn cho gia súc, gia cầm...

Hà Châu