Ý nghĩa sâu xa của đèn lồng: Đèn ông sao không hề đơn giản, đèn cá chép gắn với truyền thuyết cổ xưa

(SHTT) - Có bao giờ bạn thắc mắc đèn ông sao, đèn cá chép, đèn kéo quân hay đèn lồng tròn có ý nghĩa như thế nào chưa?

Đèn lồng là thứ vô cùng quen thuộc với người Việt Nam nói riêng và Đông Á nói chung. Mỗi mùa lễ hội, đặc biệt là Tết Nguyên đán và Tết Trung thu, đèn lồng lại xuất hiện mọi nơi. Quan niệm của người Á Đông, đèn lồng đại diện cho không khí lễ hội, sự đoàn tụ.

Đèn lồng ngày nay có nguồn gốc từ đèn lồng Trung Quốc, còn gọi là đèn lồng màu, xuất hiện vào khoảng 1800 năm trước, thời Tây Hán. Càng ngày đèn lồng càng đa dạng về chủng loại, hình dáng, chất liệu. Mỗi loại lại mang một ý nghĩa đặc biệt. Dưới đây là một số loại đèn lồng nổi tiếng và phổ biến nhất.

Đèn lồng ông sao

Đèn ông sao chỉ được sử dụng vào rằm tháng Tám âm lịch. Những chiếc đèn ông sao đủ màu sắc trở thành món quà nhiều trẻ em yêu thích, bày bán khắp nơi. Đèn ông sao dù có cách tạo đơn giản nhưng ý nghĩa lại rất sâu sắc. Hình ảnh ngôi sao 5 cánh được bao bọc bởi vòng tròn tượng trưng cho ngũ hành âm dương trong phong thủy. Chiếc đèn lồng này đại diện cho sự cân bằng và hài hòa của các mối quan hệ trong đời sống, giữa người với ngời, người với thiên nhiên vạn vật.

Đèn lồng cá chép

Lồng đèn cá chép được trẻ em yêu thích vì hình dáng lung linh, rực rỡ. Loại đèn này gắn với truyền thuyết cá chép vượt vũ môn để hóa rồng, hay tích ông Táo về trời. Đèn lồng cá chép là biểu tượng cho sự cố gắng, không ngừng nỗ lực và vươn lên trong mọi hoàn cảnh.

Đèn lồng kéo quân

Loại đèn này có nguồn gốc từ Trung Quốc, được làm để tưởng nhớ vua Lục Đức. Ông vua này là người tài giỏi, mưu lược và nổi tiếng với sự hiếu thảo. Đèn lồng kéo quân đại diện cho sự hiếu thảo, tình yêu thương con cháu dành cho bậc cha mẹ, ông bà.

Đèn lồng tròn

Loại đèn này có thể sử dụng mọi lúc mọi nơi, mọi thời điểm mà không nhất thiết là lễ hội. Người xưa quan niệm đèn lồng tròn là biểu tượng cho mặt trăng vào rằm tháng 8 âm lịch. Loại đèn lồng tròn là dùng để tôn vinh nét đẹp nhẹ nhàng của thiên nhiên cùng ước nguyện cảm ơn trời đất cho một mùa thu bội thu.

Ngày nay, đèn lồng đã trở thành một nét văn hóa. Thậm chí người ta còn tổ chức lễ hội đèn lồng, đường đèn lồng, nhà đèn lồng. Nhiều người còn thích tự tay làm đèn lồng để trang trí nhà cửa, tặng cho người thân, bạn bè lấy may.

PV