Huyện Bắc Tân Uyên: Để vườn cam thêm “ngọt”

(SHTT) - “Quả ngọt” này đến từ lối tư duy “dám nghĩ dám làm” của nhiều nông dân nơi đây. Họ rất năng động trong việc chuyển đổi cây trồng, thuần phục đất hoang,....

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Bình Dương khuyến khích việc vận dụng mọi nguồn lực tại chỗ để đưa chương trình NTM về đích sớm. Đối với huyện Bắc Tân Uyên hoàn toàn có thể dựa vào cây cam để thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của địa phương, tạo tiền đề để hoàn thành kế hoạch xây dựng NTM đã đề ra.

Ông Trần Thành Có, Chủ nhiệm Hợp tác xã chăn nuôi và trồng trọt Nhân Đức, bên vườn cam chuẩn bị cho thu hoạch của gia đình. 

Theo các hộ trồng cam ở xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương họ mong muốn cây cam có thị trường tiêu thụ ổn định và lâu dài.

Doanh thu tiền tỷ từ cây cam nghịch mùa

Trong những ngày đầu tháng 11 này, hầu hết vùng chuyên canh cam nổi tiếng của cả nước như Hà Nội, Nghệ An, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đều đã thu hoạch xong vụ mùa. Riêng tại huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, không khí thu hoạch cam vẫn rất sôi nổi. Cam nghịch mùa của huyện Bắc Tân Uyên đang là đặc sản rất được ưa chuộng trên thị trường.

Được biết, trồng cam nghịch mùa giờ đã trở nên phổ biến tại địa phương này. Bình quân mỗi hécta cam cho trái từ 50 - 70 tấn. Mỗi vụ cam bán được từ 1 tỷ đến 1,2 tỷ đồng đã giúp cho bà con nông dân nơi đây từng bước nâng cao cuộc sống và làm giàu trên mảnh đất quê hương mình.

“Quả ngọt” này đến từ lối tư duy “dám nghĩ dám làm” của nhiều nông dân nơi đây. Họ rất năng động trong việc chuyển đổi cây trồng, thuần phục đất hoang, thay đổi quy luật sinh trưởng tự nhiên của cây cam. Xẻ đồi làm mương, dẫn nước tưới tiêu từ vùng thấp lên vùng cao, những câu chuyện tưởng như “điên rồ” của những nông dân kỳ cựu như ông Đạt, Tám Thương, Ba Thắm… giờ đã trở thành một động lực để đưa huyện Bắc Tân Uyên hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM.

Tiến sĩ Mộc Quế, người có hàng chục năm kinh nghiệm về xây dựng NTM tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, không giấu nổi niềm hân hoan. Theo tiến sĩ Mộc Quế, nếu làm tốt công tác quản lý, quy hoạch và phát triển cây cam nghịch mùa, xã Hiếu Liêm hoàn toàn có thể dựa vào cây cam để vươn lên mạnh mẽ và xây dựng NTM.

Cần nâng cao vai trò của hợp tác xã

Ông Phạm Văn Bông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết những năm gần đây tỉnh rất quan tâm tới vùng chuyên canh cây có múi nghịch mùa tại huyện Bắc Tân Uyên. Hàng chục hécta đất canh tác cây có múi nghịch mùa như cam, quýt, bưởi đã được UBND tỉnh đầu tư, hỗ trợ kinh phí sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Bên cạnh đó, Hợp tác xã chăn nuôi và trồng trọt Nhân Đức cũng đã hỗ trợ tích cực cây giống, khoa học - kỹ thuật, công nghệ cho nông dân…

Tiến sĩ Mộc Quế cho rằng trong quá trình xây dựng NTM, vai trò của hợp tác xã càng phải được củng cố và nâng tầm quan trọng. Để giúp nông dân ổn định thu nhập, hình thành một vùng chuyên canh cây cam nghịch mùa gắn kết với chỉ dẫn địa lý huyện Bắc Tân Uyên, thì sự liên kết của các nhà nông là không thể thiếu. Đây là bước quyết định sự thành danh cho thương hiệu cây cam nghịch mùa của địa phương. Cùng với đó, việc giải quyết đầu ra cho cây cam sẽ kéo theo nhiều dịch vụ liên quan cần đến vai trò của hợp tác xã, như: Phân bón, thuốc trừ sâu, nguồn nhân công vào mùa thu hoạch, vận chuyển... Bên cạnh đó, tận dụng mọi giá trị gia tăng của cây cam nghịch mùa sẽ mở rộng thêm cơ hội tăng nguồn thu nhập từ các dịch vụ du lịch, tham quan, nghỉ dưỡng.

 PV