Cảnh báo giả mạo website kiểm việc làm lừa đảo hàng trăm triệu đồng

(SHTT) - Mới đây, quản trị viên của cộng đồng Upwork Việt Nam đã ghi nhận thành viên của nhóm bị lừa số tiền lớn sau khi tim việc làm tự do trên ứng dụng Upwork giả mạo.

Upwork được biết đến là một trong những nền tảng tìm kiếm việc làm được nhiều Freelancer tìm đến bởi sử dụng dễ dàng và các công việc đa dạng, đơn giản, thu nhập cao. Hiện tại, Upwork là nơi hơn 18 triệu Freelancer kết nối, tìm kiếm công việc, cũng là địa chỉ tin tưởng của hơn 5 triệu khách hàng doanh nghiệp.

Lợi dụng điều đó, những đối tượng xấu đã tạo ứng dụng giả mạo để lừa đảo tài sản của những người có nhu cầu tìm việc làm.

Mới đây, quản trị viên của cộng đồng Upwork Việt Nam đã đăng bài cảnh báo về việc có thành viên trong nhóm bị lừa với sô tiền lên tới 100 triệu đồng bằng cách giả mạo ứng dụng của nền tảng này.

Giao diện của ứng dụng giả mạo rất giống với ứng dụng thật của nền tảng. 

Cụ thể, Đặng Hương Giang, Quản trị viên cộng đồng Upwork lớn nhất Việt Nam trên Facebook, cho biết đã nhận được tin nhắn của một thành viên mới, hỏi mình cách rút tiền từ Upwork về vì đã nạp dư.

Ban đầu quản trị viên nghĩ thành viên đã lỡ mua quá nhiều connect (dùng để đăng ký nhận việc) vì Upwork không có tính năng nạp tiền. Tuy nhiên, thành viên này đã giải thích rằng bị bắt tải một ứng dụng mạo danh có giao diện gần giống với ứng dụng thật của Upwork. Sau đó, nạn nhân tiếp tục được hướng dẫn nạp tiền vào ứng dụng để nhận công việc nhập dữ liệu. 

Nhiều trường hợp đã mất rất nhiều tiền mới bắt đầu tìm hiểu về những nền tảng mình tham gia. 

Do tin tưởng nên thành viện này đã làm theo, sau đó lại tiếp tục bị dẫn dụ phải nạp thêm tiền để có đủ dữ liệu làm việc và được rút số tiền đã nạp. Tổng số tiền nạn nhân bị mất lên đến 100 triệu đồng.

Theo quản trị viên của Cộng đồng Upwork Việt Nam, kẻ lừa đảo thường tìm người mới lập tài khoản trên Upwork, những người có xu hướng tìm việc data entry (nhập dữ liệu) vì đây là công việc đơn giản và không yêu cầu kỹ năng. Sau đó những kẻ này sẽ nhắn tin qua ứng dụng Telegram để gửi một mô tả công việc đơn giản, thu nhập cao đáng ngờ và yêu cầu nạn nhân nạp tiền vào ứng dụng để nhận việc.

Việc mạo danh các tổ chức, nền tảng có uy tín để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản là một chiêu trò không hề mới. Tuy nhiên, do tâm lý nghĩ rằng kiếm tiền từ Upwork rất dễ, không cần kinh nghiệm đang phổ biến trên mạng dẫn tới nhiều người bỏ qua những cảnh báo lừa đảo, không trang bị những kiến thức cần thiết dẫn đến việc mất tiền để nhận về những bài học đắt giá.

Cách để phát hiện website lừa đảo

Để tránh 'tiền mất, tật mang' khi tìm việc làm trên các website tìm việc làm, người dùng Internet nên thực hiện 3 bước xác thực website như sau:

Bước 1: Truy cập và Tiện ích an toàn thông tin qua đường link: https://soc.gov.vn/check-phishing

Bước 2: Tại trang chủ, nhập thông tin URL trang web và nhấn vào ô "Tìm kiếm"

Bước 3: Hệ thống sẽ trả về kết quả kiểm tra website đó có an toàn hay không

 

Ngoài ra, người dùng mạng cũng cần nắm chắc 3 nguyên tắc vàng phát hiện lừa đảo mạng để tự bảo vệ bản thân khi tham gia vào các nền tảng trực tuyến như sau:

Nguyên tắc 1: Hãy chậm lại

Dành thời gian suy nghĩ kỹ và đặt câu hỏi tìm hiểu kỹ nội dung, thông tin để tránh bị dồn vào tình huống xấu.

Nguyên tắc 2: Kiểm tra tại chỗ

Tìm hiểu thêm để xác thực thông tin bạn đang nhận được. Nếu bạn nhận được một cuộc gọi không mong muốn, hãy tra cứu số ngân hàng, cơ quan, hoặc tổ chức đang gọi đén và liên hệ lại trực tiếp.

Nguyên tắc 3: Dừng lại! Không gửi

Không một cá nhân hoặc cơ quan nào yêu cầu thanh toán ngay tại chỗ. Vì vậy, nếu bạn cảm thấy giao dịch không đáng tin, hãy dừng lại vì có thể đây là dấu hiệu lừa đảo.

Thái An