Cầu trượt thoát hiểm: Giải pháp thoát nạn an toàn cho nhà cao tầng

(SHTT) - Trước thực tế về tình trạng cháy, nổ xảy ra thường xuyên tại các khu nhà cao tầng, ông Trần Văn Tuấn đã nghiên cứu và phát triển mô hình cầu trượt thoát hiểm mới giúp đảm bảo hiệu quả thoát nạn khi xảy ra sự cố tại các tòa nhà.

Sau những tai nạn thảm khốc gây thiệt hại nặng tới tính mạng con người, kỹ sư cơ lý thuyết Trần Văn Tuấn (68 tuổi) đã nảy ra ý tưởng về việc phát triển một hệ thống thoát hiểm bằng thang trượt cho các tòa nhà cao tầng.

Quá trình tìm hiểu, ông Tuấn nhận thấy, hiện nay, một số nước đã áp dụng các biện pháp thoát nạn an toàn cho các tòa nhà cao tầng như: Trung Quốc có cầu trượt thoát hiểm được lắp tích hợp vào thang bộ; Nhật Bản có ống vải thoát hiểm,... Tuy nhiên, nếu xem xét toàn diện, có thể thấy, các giải pháp này đều dẫn tới khả năng cao gây tai nạn. 

Ví dụ ống vải gây ra va chạm, còn cầu trượt không có lan can đi qua những khúc cua theo cầu thang có thể gây té ngã. Với các loại thang dây thoát hiểm, những nạn nhân ở những căn hộ tầng cao và tâm lý hoảng loạn khi xảy ra cháy nổ sẽ khiến họ khó có thể đảm bảo an toàn khi leo từ trên cao xuống.

Do vậy, kỹ sư Tuấn đã nghĩ tới mô hình thang trượt thoát hiểm để giải quyết tất cả những hạn chế trên. 

Theo chia sẻ của Kỹ sư Trần Văn Tuấn, hệ thống thang trượt thoát hiểm có thể hạn chế được sự ảnh hưởng của khói, cháy nổ trong tòa nhà giúp các nạn nhân trong khu vực xảy ra sự cố hạn chế tối đa rủi ro về sức khỏe gây nên bởi khí độc của vụ cháy. 

Hệ thống cầu trượt thoát hiểm cũng được bố trí chiếu nghỉ giữa các tầng, mỗi khu vực khoảng 1,5 m ở cạnh nhau nhằm hạn chế sự chen lấn trong quá trình thoát hiểm, giảm bớt các tai nạn đáng tiếc xảy ra đặc biệt với phụ nữ mang thai, trẻ em, người già...

Các máng trượt được thiết kế có độ nghiêng 30 - 40 độ đảm bảo độ dốc không quá lớn để không gây đau khi va vào nhau.

Tùy theo kết cấu tòa nhà, bề rộng máng trượt và vách lan can có thể lắp đặt với kích thước từ 0,8 - 1 m. Trong khi trượt, người dùng có thể vịn tay vào lan can để giảm tốc độ, tránh va chạm với người xung quanh.

Kỹ sư Trần Văn Tuấn (68 tuổi) bên mô hình cầu trượt thoát hiểm cho tòa nhà cao tầng. Ảnh: Hà An 

Đặc biệt, mô hình này hoàn toàn có thể lắp đặt bên ngoài tòa nhà nên không chiếm diện tích. Theo ông Tuấn, khu vực thoát hiểm bên ngoài tòa nhà có thể thiết kế có mái che hoặc quây kín bằng lớp bảo vệ bên ngoài để vừa đảm bảo an toàn, vừa có thể giữ được độ bền. Vật liệu xây dựng hệ thống thoát hiểm có thể làm bằng thép, đảm bảo chịu lực, độ bền.

Việc có thể lắp đặt toàn bộ bên ngoài cũng giúp các tòa nhà có sẵn dễ dàng thi công và đảm bảo không làm giảm hiệu quả thoát nạn khi xảy ra sự cố.

Về chi phí lắp đặt, ông Tuấn khẳng định, mô hình thoát hiểm mới không đắt hơn so với các mô hình hiện đang được ứng dụng phổ biến hiện nay.

Hiện sản phẩm mới ở dạng mô hình, được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích hồi tháng 1/2022.

Mô hình đã được Cục Cảnh sát PCCC (Bộ Công an) đánh giá cao và đưa vào thực hiện khảo sát vào tháng 9/2022. Với những giá trị mà mô hình cầu trượt thoát hiểm mang lại, Cục Cảnh sát PCCC gợi ý tác giả nên phối hợp các cơ quan chuyên môn Bộ Xây dựng và các đơn vị liên quan để thử nghiệm, đánh giá, tính toán thiết kế cụ thể.

Cơ quan này cũng cho rằng tác giả cần xem xét một số yếu tố như khả năng thoát nạn khi có khói độc, tốc độ trượt cho phép, sự phù hợp của thang đối với những nhóm người khác nhau như phụ nữ có thai, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật... 

Đồng thời, các chuyên gia cũng đề xuất tác giả xem xét sử dụng vật liệu để đảm bảo độ dẫn nhiệt thấp, không gây nóng trong quá trình thoát hiểm. Ngoài ra, khu vực chiếu nghỉ cần nghiên cứu về độ bền vì khi trượt ở vận tốc cao, nhiều người cùng xuống khu vực này nên cần có vật liệu có khả năng chịu lực lớn để đảm bảo an toàn.

Quỳnh Trang