WHO tuyên bố đại dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu

(SHTT) - Mới đây, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, đã chính thức tuyên bố đại dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.

Tuyên bố được đưa ra trong cuộc họp của Ủy ban Khẩn cấp về Covid-19 vào ngày 5/5/2023. Đây là động thái quan trọng để chấm dứt đại dịch đã giết chết gần 7 triệu người, làm điêu đứng các nền kinh tế gần ba năm qua. 

Được biết, Ủy ban Khẩn cấp về Covid-19 thường họp ba tháng một lần để thảo luận về đại dịch và báo cáo với giám đốc Tedros. Sau đó, ông sẽ quyết định xem Covid-19 có còn là trường hợp khẩn cấp quốc tế hay không.

Ngày 5/5, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, đã chính thức tuyên bố đại dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. 

Đồng tình với quyết định của người đứng đầu WHO, Tiến sĩ Githinji Gitahi, giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận Amref Health Africa, cho biết việc giữ quá lâu tình trạng khẩn cấp sẽ làm loãng các công cụ chống dịch.

Tuyên bố của WHO năm 2020 đã giúp huy động các nguồn lực cho châu Phi, nhưng không có nhiều ý nghĩa trong việc chống lại "sự bất công về vaccine", ông Githinji nói.

Trước đó, vào ngày 3/5, WHO đã công bố chiến lược mới trong phòng chống Covid-19, trong đó tìm cách giúp các quốc gia chuyển từ cơ chế khẩn cấp sang chiến lược phòng ngừa và kiểm soát lâu dài đối với dịch bệnh này.

WHO đã công bố kế hoạch chiến lược ứng phó với Covid-19 cho giai đoạn 2023-2025, kế hoạch thứ 4 như vậy kể từ khi các trường hợp mắc bệnh đầu tiên được ghi nhận tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc vào cuối năm 2019.

Chiến lược mới sẽ duy trì 2 mục tiêu của kế hoạch trước đó, được đưa ra vào năm 2022, là giảm sự lây lan của dịch bệnh và điều trị để giảm tỷ lệ tử vong, tỷ lệ mắc bệnh và hậu quả lâu dài.

Tuy nhiên, kế hoạch mới bổ sung mục tiêu thứ 3 là "hỗ trợ các quốc gia khi họ chuyển từ ứng phó khẩn cấp sang quản lý, kiểm soát và phòng ngừa dịch Covid-19 một cách bền vững lâu dài hơn".

Không còn là 'tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu' nhưng không thể lơ là

Theo người đứng đầu WHO, đại dịch đang có xu hướng lắng xuống trong khi miễn dịch từ nhiễm bệnh và vaccine của người dân ngày càng tăng. Ngoài ra, tỷ lệ nhập viện và tử vong có chiều hướng giảm, không còn gây căng thẳng cho các hệ thống y tế như trước.

"Xu hướng này cho phép hầu hết quốc gia trở lại cuộc sống bình thường như trước đại dịch. Do đó, tôi tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu do Covid-19", ông Teros phát biểu tại cuộc họp báo tại Geneva, Thụy Sĩ.

Tuy nhiên, ông Teros cũng nhấn mạnh tuyên bố này không có nghĩa nguy hiểm đã qua, đại dịch vẫn chưa kết thúc, tình trạng khẩn cấp có thể được khôi phục nếu tình hình thực tế thay đổi.

Được biết, sau thời gian dài chiến đấu, đại dịch Covid-19 đến nay đã cơ bản được kiểm soát tốt trên toàn cầu. Theo con số báo cáo từ WHO, thực tế cho thấy, các trường hợp tử vong đã giảm 95% kể từ tháng 1 năm nay.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, các khu vực Trung Đông, Đông Nam Á và Ấn Độ lại liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới tăng đột biến. Nguyên nhân được nhận định là do sự xuất hiện của biến chủng phụ XBB.1.16 của Omicron gây ra.  Dù góp phần làm tăng đột biến số ca mắc mới, biến chủng không làm gia tăng số người chết, WHO cho biết.

Tại Việt Nam mới đây cũng đã ghi nhận sự xuất hiện của biến chủng phụ XBB.1.16. 

Biến thể XBB.1.16 có thêm 2 đột biến, trong đó có 1 đột biến ở protein gai nhọn của virus so với XBB.1.5 hiện đang chiếm chủ đạo các ca mắc COVID-19 ở nhiều nơi. 

XBB.1.16 được biết đến là hậu duệ của XBB tái tổ hợp (XBB vốn là sự kết hợp giữa hai dòng phụ của BA.2). Biến thể XBB.1.16 có biệt danh là Arcturus (tên ngôi sao sáng nhất ở Bắc bán cầu). Hiện tại, XBB.1.16 là biến thể chiếm chủ đạo ở Ấn Độ, chủ yếu gây ra các triệu chứng Covid-19 nhẹ. 

Theo chuyên gia Francois Balloux - Giám đốc Viện di truyền học Đại học College London, XBB.1.16 rất giống với biến thể XBB.1.5. Biến thể này có hai đột biến gene so với XBB.1.5, trong đó có đột biến ở protein gai nhọn.

WHO cho biết, ,dù biến thể này, lây lan nhanh hơn các biến thể trước đó và giúp virus lẩn tránh hàng rào miễn dịch chống lây nhiễm, ngay cả ở những người đã từng mắc XBB.1.5. Tuy nhiên, biến thể phụ XBB.1.16 không gây ra các triệu chứng Covid-19 nặng hơn so với các biến thể trước đó.

Quỳnh Trang