Chưa đến 300 nhãn hiệu Việt Nam đăng ký bảo hộ ở nước ngoài

(SHTT) - Ngày 20/4, tại Hà Nộị, Bộ Công Thương, phối hợp với trường Đại học RMIT, các đối tác trong nước và quốc tế tổ chức Lễ khai mạc Tuần lễ Thương hiệu quốc gia và Diễn đàn quốc tế Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2023 chủ đề “Định vị Thương hiệu quốc gia Việt Nam Xanh”.

Tại Diễn đàn Quốc tế thương hiệu quốc gia Việt Nam 2023, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, Việt Nam là quốc gia được đánh giá cao trong việc xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2020-2022.

Cụ thể, báo cáo từ Brand Finance cho thấy, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020 tăng 29,1% so với năm 2019, đạt mức 319 tỷ USD; năm 2021 tăng 21,6% so với năm 2020 (388 tỷ USD); năm 2022 tăng 11,1% so với năm 2021 (431 tỷ USD).

 Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh

Với sự hỗ trợ của Chương trình Thương hiệu quốc gia, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu nên đã đầu tư nghiêm túc cho xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp. Kết quả là, trong Top 50 Thương hiệu doanh nghiệp giá trị nhất Việt Nam năm 2022, có sự góp mặt của rất nhiều doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Nếu như năm 2018 mới có 14 doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam nằm trong Top 50, chiếm tỷ trọng 28% thì sau 5 năm con số này đã tăng lên 21 doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng 42%. Đặc biệt, trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng mạnh từ 20% năm 2018 lên tới 60% năm 2022.

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của thương hiệu, ông Alex Haigh, Giám đốc Điều hành Brand Finance khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho rằng xây dựng thương hiệu và hình ảnh quốc gia Việt Nam là “sức mạnh mềm” giúp Việt Nam phát triển. Trong khu vực, dù Việt Nam được xếp ở tầm trung về kinh tế và sự ổn định, nhưng tiềm năng phát triển kinh tế được đánh giá rất cao, ngang bằng với Singapore.

Do vậy, để “sức mạnh mềm” tiếp tục phát huy, theo ông Alex, Việt Nam cần phải tạo được một câu chuyện hấp dẫn và lời hứa, để tạo sự thân thuộc, tin tưởng với thương hiệu. Muốn vậy, cần đầu tư tạo ra hệ sinh thái với các trụ cột như môi trường kinh doanh, thương mại, ngoại giao, văn hóa, di sản, văn hóa và giáo dục…

“Thực tế chúng tôi nhận thấy môi trường kinh doanh tại Việt Nam rất thuận lợi. Người dân, quốc gia Việt Nam có tinh thần khởi nghiệp rất mạnh mẽ. Điều đó thuận lợi nhưng không nhiều nhà đầu tư biết đến. Vì vậy, cần tập trung xây dựng hình ảnh Việt Nam là nơi có môi trường kinh doanh dễ tiếp cận với các doanh nghiệp quốc tế”, ông Alex Haigh nói.

Mặt khác, đại diện của Brand Finance cũng phân tích, Top 10 thương hiệu doanh nghiệp giá trị nhất Việt Nam hiện vẫn chỉ tập trung trong nước chưa thoát khỏi vùng an toàn để vươn ra tầm quốc tế. Trong khi thế mạnh của Việt Nam là sản xuất chế tạo, cần coi đây là yếu tố then chốt để xây dựng hình ảnh và thương hiệu quốc gia Việt Nam.

  Khả năng lan tỏa hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam ở môi trường kinh doanh quốc tế còn rất hạn chế

So sánh với các nước trong khu vực, ông Alex Haigh, Giám đốc điều hành Brand Finance châu Á - Thái Bình Dương nhìn nhận: "Tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam ngang bằng với Singapore. Nhưng “kinh doanh dễ dàng” trong nội bộ; “Sản phẩm và thương hiệu được thế giới yêu thích” ở bên ngoài không phải là nhận thức mạnh mẽ đối với Việt Nam”.

Cụ thể, so sánh top 10 thương hiệu giá trị năm 2022 của Singapore và Malaysia đều thấy nhiều cái tên quen thuộc của người tiêu dùng toàn cầu, như DBS của Singapore, Maybank của Malaysia.

Đặt trong bối cảnh top 10 thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, ông Alex Haigh đánh giá, chỉ tập trung trong nước. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để thương hiệu Việt Nam thoát ra khỏi "vùng an toàn" và vươn ra tầm quốc tế?

Hiện nay, thương hiệu Việt Nam đang được đánh giá là có mức độ tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu về giá trị, nên đây sẽ là cơ hội để thúc đẩy quốc tế hóa thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia Việt Nam. “Để làm được điều đó, mỗi thương hiệu doanh nghiệp Việt cần tìm cách gắn kết với thương hiệu quốc gia, giống như cách mà DBS, Petronas, Singapore Airlines và các hãng khác đã làm với các quốc gia của họ”, ông Alex Haigh khuyến nghị.

Liên quan thương hiệu sản phẩm, theo ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN), mặc dù đến nay đã có 48.000 nhãn hiệu đăng ký trong nước, nhưng số lượng nhãn hiệu đăng ký ở nước ngoài lại chưa đến 300 nhãn hiệu. Điều này cho thấy, khả năng lan tỏa hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam ở môi trường kinh doanh quốc tế còn rất hạn chế.

Phó cục trưởng Trần Lê Hồng khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao nhận thức về mối quan hệ giữa bảo hộ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ với hoạt động phát triển thương hiệu, chú trọng việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm và thương hiệu của doanh nghiệp mình ở nước ngoài.

Hương Mi