Lockdown Mode: Chế độ bảo mật ‘siêu hạng’ của Apple

Mới đây, theo đánh giá của nhóm bảo mật Citizen Lab, chế độ ‘Lockdown Mode (Chế độ phong tỏa) trên iPhone chạy iOS 16 có khả năng ngăn chặn phần mềm gián điệp vô cùng nguy hiểm mang tên Pegasus. Đây trở thành tuyên bố chắc nịch cho khả năng bảo mật tuyệt vời của iPhone.

Lockdown Mode đã xuất hiện trong phiên bản beta thứ 3 của iOS 16, iPadOS 16 và macOS Ventura từ ngày 7/7/2022. Apple giới thiệu đây là một hình thức bảo vệ chống tấn công mạng toàn diện được thiết kế chỉ dành cho những trường hợp ‘khắc nghiệt nhất’. Tính năng bảo mật tùy chọn này được thiết kế để bảo vệ "một số lượng rất nhỏ" người dùng có thể gặp rủi ro trong "các cuộc tấn công mạng có chủ đích" từ các công ty tư nhân chuyên phát triển phần mềm gián điệp. Đối tượng được bảo vệ chủ yếu là nhà báo, nhà hoạt động cộng đồng và nhân viên chính phủ.

 

Theo đánh giá từ nhóm bảo mật Citizen Lab, Lockdown Mode có hiệu quả trong việc ngăn chặn phần mềm gián điệp Pegasus vô cùng tinh vi do một công ty Israel phát triển.

Về cơ bản, phần mềm gián điệp Pegasus đã cố gắng khai thác các lỗ hổng bảo mật ‘PWNYOURHOME’ và ‘FINDMYPWN’ trên iOS 16. Tuy nhiên, nếu iPhone đã bật Lockdown Mode, người dùng sẽ ngay lập tức nhận được thông báo rằng phần mềm gián điệp Pegasus đang cố khai thác các lỗ hổng này, cho phép người dùng thực hiện hành động trước khi phần mềm này có thể truy cập vào hệ thống điện thoại. Lockdown Mode đang cho thấy sự hữu ích của mình trong việc ngăn chặn một số mã độc nguy hiểm.

Hiện tại, vẫn chưa rõ liệu công ty mẹ của Pegasus có đang cố tìm ra biện pháp phá hủy các cảnh báo thời gian thực của Lockdown Mode hay không, nhưng chưa có báo cáo nào cho thấy các lỗi bảo mật trên đã bị khai thác thành công trên iPhone bật Lockdown Mode. Và đây sẽ là một số bằng chứng quan trọng cho thấy Apple là một đối thủ đáng gờm trong việc ngăn chặn các mối đe dọa phần mềm gián điệp độc hại.

 

Tuy nhiên, xin lưu ý rằng Lockdown Mode vốn không cần thiết đối với người dùng bình thường. Theo Apple, Lockdown Mode chỉ dành cho “rất ít cá nhân” như các nhà báo, nhà hoạt động cộng đồng và nhân viên chính phủ. Khi chế độ bảo mật này được bật, các cuộc gọi FaceTime với các liên hệ không xác định, quyền truy cập vào một loạt trang web khác nhau, khả năng gửi và nhận một số tin nhắn nhất định đều sẽ không thể thực hiện.

Tất nhiên, phần mềm gián điệp được cập nhật liên tục và các lỗi bảo mật cũng sẽ bị khai phá liên tục, vì vậy không có gì đảm bảo rằng Lockdown Mode sẽ là ‘tấm khiên bất khả chiến bại’ có khả năng ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào.

Thùy Mai