Nghiên cứu phương pháp mới giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2

(SHTT) - Mới đây, các nhà khoa học đã nghiên cứu đầu tiên để đánh giá cách cơ thể xử lý và sử dụng glucose sau khi ăn, giúp xác định phương pháp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.

Bệnh tiểu đường loại 2 xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ insulin để hoạt động bình thường hoặc các tế bào của cơ thể không phản ứng với insulin.

 Bệnh tiểu đường loại 2 là dạng phổ biến nhất của bệnh đái tháo đường

Hiện nay, việc can thiệp chế độ ăn uống với lượng calo vừa phải (CR) là một chiến lược giúp kiểm soát cân nặng và giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2. Trong khi đó, phương pháp nhịn ăn gián đoạn (IF), cụ thể là quá trình nhịn ăn xen kẽ với những ngày ăn uống tự do, đã trở nên phổ biến và dần thay thế cho CR. Tuy nhiên, một số thử nghiệm đã cân nhắc những hạn chế khi áp dụng ý tưởng này.

Mới đây, các nhà khoa học từ Đại học Adelaide và Viện Nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Nam Úc (SAHMRI) đã phát triển phương pháp ưu việt hơn, áp dụng việc nhịn ăn gián đoạn kết hợp ăn uống có giới hạn thời gian sớm (iTRE). 

Họ so sánh hai chế độ ăn kiêng: chế độ ăn kiêng nhịn ăn gián đoạn có giới hạn thời gian và chế độ ăn kiêng giảm calo, nhằm xác định cái nào có lợi hơn cho những người mắc bệnh tiểu đường loại 2.

Tác giả chính của nghiên cứu, Giáo sư Leonie Heilbronn tại Đại học Adelaide (Trường Y khoa Adelaide), cho biết: “Tuân thủ chế độ ăn kiêng nhịn ăn gián đoạn có giới hạn thời gian giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Những người nhịn ăn ba ngày trong tuần, chỉ ăn từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa, cho thấy khả năng dung nạp glucose tốt hơn sau 6 tháng so với những người ăn kiêng giảm calo hằng ngày. Bên cạnh đó, họ nhạy cảm hơn với insulin và cũng giảm được nhiều lipid trong máu hơn so với những người theo chế độ ăn ít calo”.

Hơn 200 người Nam Úc đã tham gia trong vòng 18 tháng. Theo tác giả đầu tiên của nghiên cứu, tiến sĩ Xiao Tong Teong, nghiên cứu này có quy mô lớn nhất trên thế giới tính đến thời điểm hiện tại. Đồng thời, đây là nghiên cứu đầu tiên giúp đánh giá cách cơ thể xử lý và sử dụng glucose sau khi ăn, xác định nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tốt hơn so với xét nghiệm nhịn ăn.

Kết quả nghiên cứu đã bổ sung thêm bằng chứng để chỉ ra thời gian ăn uống và nhịn ăn gián đoạn giúp nâng cao lợi ích sức khỏe hơn chế độ ăn kiêng hạn chế calo. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các thực hành lâm sàng.

Thu Nga