Nghiên cứu mới: Trẻ em tiếp xúc với chó, mèo ít giúp làm giảm nguy cơ bị dị ứng thực phẩm

(SHTT) - Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Nhật Bản được công bố trên Tạp chí Plos One cho thấy những em bé sống với vật nuôi như mèo hoặc chó có ít khả năng bị dị ứng thực phẩm hơn so với những em bé ở nhà không có vật nuôi.

Nghiên cứu dựa trên phân tích dữ liệu của hơn 65.000 trẻ sơ sinh tại Nhật Bản, theo đó, trẻ con tiếp xúc với chó nuôi trong nhà có thể giúp giảm nguy cơ dị ứng trứng, sữa và hạt. Bên cạnh đó, nhóm trẻ tiếp xúc với mèo nuôi trong nhà lại làm giảm nguy cơ dị ứng trứng, lúa mì và đậu nành.

 

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những đứa trẻ nuôi chuột đồng có thể có nguy cơ bị dị ứng hạt cao hơn.

Các phát hiện mới được công bố trên tạp chí Plos One có thể giúp đỡ rất nhiều trong các nghiên cứu sau này về trẻ em và các bệnh dị ứng. Theo số liệu được phân tích, đang có khoảng 8,3% trẻ em ở Anh được cho là bị dị ứng thực phẩm.

Thật ra, các nghiên cứu trước đây cũng đã chỉ ra rằng việc tiếp xúc với động vật nuôi trong nhà trong thời kỳ mang thai và thời thơ ấu có thể giảm nguy cơ dị ứng thực phẩm.

Đối với nghiên cứu mới nhất, giáo sư Hisao Okabe thuộc Đại học Y khoa Fukushima đã sử dụng dữ liệu từ Nghiên cứu về Môi trường và Trẻ em Nhật Bản với hồ sơ của 66.215 trẻ em và mẹ. Khoảng 22% trong số đó đã tiếp xúc với vật nuôi trong nhà – chủ yếu là chó và mèo – khi còn trong bụng mẹ.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trẻ em nuôi thú cưng trong nhà có “tỷ lệ dị ứng thực phẩm giảm đáng kể” so với những trẻ sống trong gia đình nuôi thú cưng ngoài trời.

Trong khi đó, chỉ có 0,9% số trẻ em tiếp xúc với chuột đồng trong nghiên cứu nhưng sau thời gian theo dõi và xem xét lại chỉ ra rằng nhóm trẻ em tiếp xúc với chuột đồng có “tỷ lệ dị ứng hạt cao hơn đáng kể”.

Các nhà nghiên cứu cho biết những phát hiện này dựa trên dữ liệu tự báo cáo và không thể xác định liệu mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với vật nuôi và khả năng dị ứng thực phẩm có phải là nguyên nhân chính của bệnh hay không.

“Nghiên cứu này cho thấy mối liên quan giữa việc tiếp xúc với vật nuôi trong quá trình phát triển của bào thai, hay khi còn là trẻ sơ sinh và nguy cơ mắc dị ứng thực phẩm của trẻ dưới 3 tuổi là khác nhau tùy thuộc vào sự kết hợp của hai yếu tố: loài vật nuôi và loại chất gây dị ứng. Vẫn cần có những nghiên cứu sâu hơn để đánh giá chính xác hơn nguyên nhân dị ứng thực phẩm”, nhóm nghiên cứu chia sẻ.

Thùy Mai