Bánh phu thê - Niềm tự hào của quê hương quan họ

(SHTT) - Đến làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh vào một ngày tháng 3, tôi có cơ hội ghé thăm gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Minh có truyền thống làm bánh phu thê lâu đời. Tại đây, tôi được tìm hiểu về quá trình những chiếc bánh thơm ngon đẹp mắt được tạo ra hoàn toàn thủ công với biết bao tâm huyết.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Minh vừa tỉ mì tạo hình những chiếc bánh cho vuông vắn vừa chia sẻ: “Gia đình chú có 5 thế hệ làm bánh phu thê. Nghề làm bánh phu thê ở Đình Bảng có từ thời nhà Lý cho đến nay. Người làng Đình Bảng thường làm bánh phu thê vào dịp Tết đến xuân về để biếu tặng. Ngày xưa, chỉ những gia đình giàu có hoặc nhà làm quan mới có điều kiện để làm bánh phu thê. Đến những năm 1990, nghề làm bánh phu thê bắt đầu phát triển mạnh. Trong làng bắt đầu xuất hiện những gia đình chuyên làm bánh phu thuê hằng ngày để bán". 
 Muốn có bánh ngon phải chọn loại gạo nếp cái hoa vàng thơm ngon, tiếp đó đem gạo vo thật sạch, để ráo nước và dùng cối giã chứ không được xay bằng máy. Sau đó, lọc lấy tinh bột gạo, một cân gạo nếp cái hoa vàng thường chỉ lấy được 4 lạng tinh bột. Bột đó lại đem xay cho thật nhuyễn rồi phơi hoặc sấy khô để qua 15 ngày mới đem ra làm bánh, nếu làm ngay thì bánh sẽ nát.
 Khi bóc chiếc bánh ra ta sẽ thấy bánh có màu vàng ươm trông thật hấp dẫn. Màu vàng của vỏ bánh được tạo thành từ hoa dành dành. Người làm bánh đem hoa dành dành phơi khô, khi nào làm bánh thì ngâm vào nước sôi để chiết xuất nước có màu vàng, lấy nước này trộn vào bột để tạo màu bánh.
 Để làm vỏ bánh phu thê, ngoài bột nếp cái hoa vàng người làm bánh còn phải chuẩn bị thêm đu đủ xanh và đường cát trắng. Đu đủ giúp tạo độ dai, giòn còn đường sẽ tạo độ ngọt vừa phải cho bánh
 Anh Sơn - con trai chú Minh vừa nhào bột bánh vừa chia sẻ: “ Nhào bột là công đoạn mất nhiều sức nhất trong quá trình làm bánh phu thê. Chiếc bánh phu thê có ngon hay không phụ thuộc hoàn toàn vào công đoạn này. Vậy nên, để làm nên chiếc bánh dẻo, thơm ngon, người làm bánh cần cẩn trọng trong công đoạn này nếu không sẽ ảnh hưởng đến chất lượng toàn mẻ bánh”.
 Lá gói bánh được sử dụng là lá dong gói bánh chưng, nhưng phải làm kỹ hơn. Sau khi rửa sạch lá phải để ráo nước, sau đó tước bớt cọng để khi gói bánh được mềm mại.
  “Bánh phu thê là sản phẩm của sự kỳ công chế biến, nguyên liệu làm bánh đều là những sản vật của đồng quê. Vỏ bánh được làm từ gạo nếp cái hoa vàng xay mịn, lọc lấy tinh bột, sau đó nhào với đu đủ xanh nạo nhỏ, ngâm nước quả dành dành để tạo màu cho bánh. Nhân bánh chủ yếu là đậu xanh được đồ chín, sau đó trộn với đường kính và các gia vị khác như mứt bí, mứt sen và cùi dừa để tạo độ thơm, ngậy”, cô Thu (vợ nghệ nhân Nguyễn Văn Minh) chia sẻ.
 Nhân bánh là đỗ xanh được ngâm kỹ đãi sạch vỏ, đem hấp chín, nghiền mịn, thắng với đường và trộn lẫn vài sợi dừa đã được nạo nhỏ.
Khi gói bánh, người làm bánh còn quét lên lá một lớp mỡ hoặc dầu để khi bóc bánh không bị dính, lại làm cho bánh có độ ngậy và béo rất đặc trưng. Bánh sẽ được làm chín bằng cách hấp trên bếp củi trong thời gian 45-60 phút. 
Bánh được hấp chín tỏa mùi thơm ngon hấp dẫn, nhưng phải để bánh thật nguội thì khi thưởng thức mới cảm nhận hết được độ dẻo, dai và giòn của vỏ bánh.
Chiếc bánh phu thê đạt tiêu chuẩn phải có màu vàng trong, nhìn thấu những sợi đu đủ từ bên ngoài lớp vỏ. Khi ăn, sẽ cảm nhận được hương thơm, độ dẻo của bánh được tỏa ra từ gạo nếp cái hoa vàng, độ dai của đu đủ, cộng với độ béo bùi của đậu xanh, dừa, và vị ngọt của đường... tất cả hòa quyện với nhau tạo thành hương vị rất riêng của bánh.
 Khi bánh nguội sẽ được bọc ở bên ngoài 1 lớp lá dong tươi màu xanh tạo độ đẹp mắt cho bánh
 Màu xanh của lá bánh thể hiện sự thủy chung son sắt của người vợ, sợi lạt đỏ buộc bánh tượng trưng cho sợi tơ hồng se duyên cho đôi lứa gắn bó tình nghĩa vợ chồng. Mỗi chiếc bánh làm ra đều chan chứa tình yêu thương, sự đằm thắm, dịu dàng của người vợ hiền gửi gắm đến người chồng của mình. Bánh phu thê không chỉ là một món ăn ngon, mà đó còn được coi là một nét đẹp trong văn hóa của vùng đất Kinh Bắc nghĩa tình.

Viết Sơn