Tái tạo tế bào lông trong ốc tai giúp khôi phục thính giác

(SHTT) - Mới đây, các nhà khoa học đã tìm ra cơ chế tái tạo tế bào lông ốc tai, mở đường việc nghiên cứu biện pháp phục hồi khả năng nghe ở người khiếm thính.

Điếc tai (khiếm thính) là một trong những khuyết tật phổ biến ở mọi khu vực và quốc gia. Tình trạng này không ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh nhưng làm giảm chất lượng cuộc sống, tác động nghiêm trọng đến khả năng giao tiếp, học tập và kiếm sống, thậm chí dẫn đến chứng trầm cảm, khủng hoảng thần kinh.

 Hiện có hơn 1,5 tỷ người (gần 20% dân số toàn cầu) sống chung với tình trạng nghe kém, trong đó có 430 triệu người bị khiếm thính.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây trên tạp chí Frontiers in Cellular Neuroscience đã thắp lên hy vọng cho những người mất thính giác do tế bào lông trong ốc tai chết đi.

Nhóm nghiên cứu cho biết, động vật có vú trưởng nghe kém vĩnh viễn do các tế bào lông thính giác bị mất không thể tái tạo. Ngược lại, những tế bào lông ở chim có thể phục hồi thông qua quá trình tái tạo từ các tế bào hỗ trợ.

Các nhà khoa học tại Viện Khoa học thần kinh Del Monte đã dựa trên phát hiện này để tìm kiếm cơ chế thúc đẩy kiểu tái sinh tương tự ở động vật có vú. 

Tiến sĩ Patricia White, giáo sư Khoa học thần kinh và Tai mũi họng tại Trung tâm Y tế Đại học Rochester, nhấn mạnh: “Nghiên cứu mới cho chúng ta biết quá trình kích hoạt đó diễn ra như thế nào. Đây là một bước tiến đáng kể, hướng tới mục tiêu cuối cùng là tạo ra các tế bào lông ốc tai mới ở động vật có vú”.

Các tế bào lông trong tao giúp chúng ta nghe được, thông qua chuyển đổi những rung động âm thanh thành tín hiệu não dễ hiểu. 

Theo trang tin tức ZME Science, con người có khoảng 16.000 tế bào lông ở mỗi tai. Tuy nhiên, theo thời gian, chúng sẽ bị hư hỏng do một số nguyên nhân, bao gồm tiếng ồn lớn, nhiễm trùng tai và lão hóa.

Qua nhiều năm, khoa học đã chứng minh các loài bò sát, chim và cá có thể tái tạo tế bào lông ốc tai, đẩy lùi tình trạng mất thính giác. 

Sau những nỗ lực không ngừng, cuối cùng các nhà nghiên cứu đã khám phá ra cơ chế đằng sau khả năng này. Một số gen có khả năng làm cho tế bào tai hoạt động giống như tế bào gốc và tạo ra một loại protein chịu trách nhiệm tái tạo tế bào lông. 

Đối với những bệnh nhân mất thính lực vĩnh viễn đang cảm thấy tuyệt vọng, nghiên cứu mới sẽ mở đường cho phương pháp chữa trị mới, giúp khôi phục thính lực hoàn toàn.

Tiến sĩ Dorota Piekna - Przybylska, tác giả đầu tiên tiên của nghiên cứu: “Khám phá này đã làm rõ khả năng tái sinh không chỉ giới hạn trong giai đoạn phát triển ban đầu. Chúng tôi tin có thể sử dụng những phát hiện này để thúc đẩy quá trình tái tạo ở người trưởng thành”.

Thu Nga