Nghiên cứu mới: Nhiễm trùng ở trẻ em tăng nguy cơ tử vong sớm do bệnh hô hấp

(SHTT) - Mới đây, nghiên cứu đến từ Đại học Hoàng gia Luân Đôn cho thấy, giảm nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ em có thể góp phần giải quyết tình trạng tử vong sớm do bệnh đường hô hấp.

Nghiên cứu đã chứng minh, nhiễm trùng đường hô hấp (viêm phế quản hoặc viêm phổi) khi còn nhỏ làm tăng nguy cơ tử vong sớm do bệnh đường hô hấp khi trưởng thành.

Theo Tiến sĩ James Allinson đến từ Đại học Hoàng Gia Luân Đôn, tác giả chính của nghiên cứu, hầu hết các biện pháp phòng ngừa bệnh hô hấp ở người trưởng thành hiện nay đều hướng đến một số yếu tố rủi ro trong lối sống như hút thuốc.

Tuy nhiên, sau khi đối chiếu 1/5 số ca tử vong do hô hấp ở người lớn tại Anh và xứ Wales từ năm 1972 đến 2019 với các bệnh nhiễm trùng thông thường khi còn nhỏ trong nhiều thập kỷ trước, ông khẳng định phải tập trung vào rủi ro trước tuổi trưởng thành.

Ông James cho biết: “Để nâng cao sức khỏe người trưởng thành hiện nay, chúng ta cần tối ưu hóa sức khỏe trẻ em, nhất là bằng cách giải quyết tình trạng nghèo đói. Bằng chứng chỉ ra nguồn gốc ban đầu của các bệnh mãn tính ở người trưởng thành cũng góp phần gạt bỏ suy nghĩ: tất cả trường hợp tử vong do các bệnh như COPD (bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính) đều liên quan đến lối sống”.

 Ước tính có 3,9 triệu ca tử vong do bệnh hô hấp mãn tính trong năm 2017, chiếm 7% tổng số ca tử vong trên toàn thế giới.

Nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ 3.589 người sinh năm 1946 tại Anh, với 25% (913/3.589) mắc viêm hô hấp dưới (LRTI) trước hai tuổi, đồng thời xem xét hồ sơ sức khỏe và tử vong cho đến năm 2019.

Vào cuối năm 2019, 19% (674/3.589) người tử vong trước 73 tuổi. Trong đó, 8% (52/674) trường hợp tử vong vì bệnh hô hấp, chủ yếu là COPD.

Sau khi xem xét thêm các yếu tố kinh tế xã hội và tình trạng hút thuốc, nhóm nghiên cứu cho biết, trẻ em mắc LRTI khi mới hai tuổi có nguy cơ tử vong sớm vì bệnh hô hấp cao hơn 93% độ tuổi từ 26 đến 73. Đồng thời, LRTI trước hai tuổi chỉ làm tăng nguy cơ tử vong sớm do các bệnh về đường hô hấp, chứ không liên quan đến những căn bệnh khác, chẳng hạn như bệnh tim hoặc ung thư.

Giáo sư Rebecca Hardy, từ Đại học Loughborough và Đại học College London, khẳng định: “Kết quả nghiên cứu cho thấy những nỗ lực giảm nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ em sẽ góp phần giải quyết tình trạng tử vong sớm do bệnh hô hấp khi trưởng thành. Chúng tôi hy vọng nghiên cứu có thể hỗ trợ các tổ chức y tế quốc tế trong vấn đề này”.

Thu Nga