Lần đầu tiên Đà Nẵng đề nghị công nhận sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia

UBND TP Đà Nẵng vừa có quyết định công nhận kết quả đánh giá để đề nghị công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao đối với sản phẩm bánh dừa nướng mè Mỹ Phương.

Tiến sĩ Vũ Thị Bích Hậu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đà Nẵng - cho hay: “Tính đến tháng 2/2023, Đà Nẵng có 64 sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Bánh dừa nướng mè Mỹ Phương là sản phẩm OCOP đầu tiên trên địa bàn được UBND TP Đà Nẵng đề nghị Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm đánh giá, công nhận đạt hạng 5 sao cấp quốc gia”.

Bánh dừa nướng mè Mỹ Phương là sản phẩm thu hút nhiều sự quan tâm của người dân và du khách, trong đó có cả các du khách nước ngoài, đặc biệt trong các chương trình quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của Đà Nẵng.

 UBND TP Đà Nẵng vừa có Quyết định công nhận kết quả đánh giá để đề nghị công nhận sản phẩm OCOP hạng 5 sao đối với sản phẩm bánh dừa nướng mè Mỹ Phương của Công ty TNHH Mỹ Phương Food.

Cũng dịp này, TP Đà Nẵng công nhận thêm 10 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 - 4 sao. Trong đó, hai sản phẩm gồm chả lụa Peco Food của Công ty TNHH Peco Fooda và lạp xưởng tươi MinKai của hộ kinh doanh Hồ Thị Thùy Trang được công nhận 4 sao.

Đối với 10 sản phẩm được công nhận 3 sao gồm: Bánh tráng mè truyền thống Thi Chung của hộ kinh doanh Trần Thị Thi Chung; Chả cá Thát lát chiên Văn Tới của HTX Làng Phú Sơn; Nấm đông trùng hạ thảo Quỳnh Tâm, nấm Linh Chi Quỳnh Tâm của hộ kinh doanh Quỳnh Tâm; Gà thả vườn Kê Sơn của HTX Nông nghiệp Hòa Phong 1; Chè dây Hòa Bắc của hộ kinh doanh Lê Anh Tú; Mật ong Bana Bee của Công ty CP Nông nghiệp CNC Davina; Nước mắm Nam Ô Hiệp Hải của hộ kinh doanh Phạm Thị Hải Nguyệt; Rượu đinh lăng - Đà tửu của hộ kinh doanh Mai Thị Xuân.

Theo kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2022 – 2025, UBND TP Đà Nẵng đề ra mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 135 sản phẩm được công nhận đạt 3 sao trở lên (bình quân 20 - 25 sản phẩm/năm). Đà Nẵng hướng đến 56/56 xã, phường đều có sản phẩm được công nhận OCOP.

Địa phương nông thôn mới kiểu mẫu phải có sản phẩm đạt 4 sao. Phấn đấu có ít nhất 3 - 5 sản phẩm OCOP của các làng nghề truyền thống, làng nghề nông nghiệp và có ít nhất 2 sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn.

Cũng theo kế hoạch của UBND TP Đà Nẵng, thời gian tới Đà Nẵng sẽ chuẩn hóa và nâng cấp 2 - 3 sản phẩm có tiềm năng 5 sao, đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP quốc gia. Từ đó, ít nhất 50% sản phẩm OCOP được củng cố, nâng cấp làm cơ sở đánh giá, phân hạng. Trong đó chú trọng nâng cấp, chuẩn hóa sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến, cải thiện bao bì, nhãn hiệu và phát triển thương hiệu sản phẩm.

Quyết định đề nghị công nhận sản phẩm OCOP hạng 5 sao đầu tiên là thành quả sau một thời gian TP Đà Nẵng nỗ lực hành động để phát triển các sản phẩm OCOP, tự đánh giá những điểm mạnh và điểm yếu của địa phương để có định hướng phát triển đúng đắn.

Bảo Hòa