1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm trên thương mại điện tử bị gỡ bỏ

(SHTT) - Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (TMĐT&KTS- Bộ Công Thương), hơn 1.600 gian hàng thương mại điện tử với 6.437 sản phẩm vi phạm đã bị gỡ bỏ trong năm 2022, nhằm ngăn chặn hàng giả hàng nhái.

 Hoạt động thương mại điện tử đang ngày càng phát triển tại Việt Nam. Trong năm 2022, thương mại điện tử đã trở thành kênh phân phối quan trọng. Theo khảo sát và điều tra của Bộ Công Thương, so với năm 2021, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ 2022 tại Việt Nam tăng trưởng 20%, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Cũng trong năm 2022, công tác thương mại điện tử đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, đối với công tác quản lý hoạt động thương mại điện tử, trong năm, Cục đã tiếp nhận hồ sơ, tư vấn và hỗ trợ 7.893 doanh nghiệp, tổ chức và 2.609 cá nhân đăng ký tài khoản; thực hiện thủ tục thông báo cho 10.146 website thương mại điện tử và 660 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.

 

Đặc biệt, Cục đã rà soát và yêu cầu các công ty, tổ chức hoạt động thương mại điện tử gỡ bỏ/khóa 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm; chặn 5 website vi phạm có dấu hiệu lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hoạt động trên nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến, bảo vệ các thương nhân, tổ chức kinh doanh lành mạnh và thúc đẩy thương mại điện tử phát triển.

Cục cũng chủ trì thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật thương mại điện tử đối với 8 đơn vị theo kế hoạch năm 2022 và xử phạt vi phạm hành chính 222 triệu đồng.

Dự báo năm 2023, hoạt động thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển bùng nổ, do vậy, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đặt mục tiêu tiếp tục thực hiện thanh tra, kiểm tra phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Để hoạt động thương mại điện tử phát triển mạnh hơn, trong năm 2023, Cụ Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý về thương mại điện tử như: kết nối, chia sẻ dữ liệu. Đồng thời, tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài và hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội.

Bên cạnh đó, thực hiện thanh tra, kiểm tra phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội; Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Hà Vy