Cà Mau: Phát hiện hơn 1.000 sản phẩm mỹ phẩm '2 không'

(SHTT) - Vừa qua, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Cà Mau đã bắt quả tang một cơ sở trên địa bàn đang có hành vi tàng trữ và kinh doanh hơn 1.000 sản phẩm mỹ phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng theo quy định.

Cụ thể, vào ngày 05/12/2022, nhận được nguồn tin báo từ cơ sở, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, giám sát thông tin nhận được là có căn cứ. Đội Quản lý thị trường số 1 phối hợp cùng Công an xã Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh H.T tại địa chỉ: Ấp Bà Điều, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau.

 

Qua kiểm tra thực tế, Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 1 phát hiện cơ sở kinh doanh H.T do bà Hà Thị Ngọc T làm chủ đang kinh doanh mỹ phẩm không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định.

Tại cơ sở đang bày bán mỹ phẩm (kem bôi da) các loại không xuất trình được hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc hợp pháp đối với hàng hóa là mỹ phẩm, trên bao bì hàng hóa không thể hiện nơi sản xuất, xuất xứ của hàng hóa.

 

Tổng số lượng hàng hóa vi phạm là: 1.122 hộp các loại và 340kg (loại túi). Tổng trị giá hàng hóa theo giá niêm yết trên sản phẩm là: 97.200.000 đồng.

Đội Quản lý thị trường số 1 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ hàng hóa vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, thực hiện Kế hoạch Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2022; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 của Tổng cục  Quản lý thị trường tại kế hoạch số 10/KH-TCQLTT. Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các đội Quản lý thị trường cường phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông  để tổ chức triển khai, thực hiện kế hoạch. 

 

Trong 02 ngày 29,30/11/2022, tại thành phố Hạ Long, Đội Quản lý thị trường số 1 – Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông, Công an tỉnh tiến hành kiểm tra và phát hiện số lượng lớn hàng hóa có dấu hiệu nhập lậu cụ thể như sau:

Ngày 29/11 tiến hành khám xe ô tô tải BKS 29H-175.18 do ông Quách Đình Sơn điều khiển. Tại thời điểm khám xe lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện trên xe có gần 800 hộp sữa, phô mai và hơn 1000 kính cường lực, ốp điện thoại do nước ngoài sản xuất. Làm việc với lực lượng chức năng lái xe Quách Đình Sơn khai nhận mình là chủ sở hữu của toàn bộ số hàng hóa trên, tuy nhiên không xuất trình được bất kỳ hoá đơn, chứng từ nào có liên quan.

Ngày 30/11, Đội Quản lý thị trường số 1 tiếp tục phát hiện 1200 sản phẩm mỹ phẩm gồm nước hoa, dung dịch dưỡng da, son môi, dưỡng tóc…. do nước ngoài sản xuất khi tiến hành thủ tục khám ô tô BKS 14C-262.06 do ông Hà Ngọc Lành điều khiển. Tại thời điểm khám, lái xe khai nhận đã mua số hàng hoá trên trôi nổi trên thị trường về bán kiếm lời và toàn bộ số hàng hoá trên của không có hoá đơn, chứng từ kèm theo.

Số hàng hóa nhập lậu của 02 vụ việc trên đều được thu mua, vận chuyển từ các tỉnh thành phố trong thị trường nội địa để vận chuyển về Quảng Ninh tiêu thụ. Đội QLTT số 1 đã tiến hành thủ tục tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh xử lý theo quy định. Vụ việc đang được lực lượng quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh tiếp tục xác minh làm rõ.   

Trước đó, tại hội thảo: "Chống buôn lậu và gian lận thương mại: Công tác phối hợp và chế tài xử phạt", ông Bùi Văn Hoan, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu chia sẻ, các vụ buôn lậu qua biên giới đã giảm 20% vào năm 2021. Những kết quả ấn tượng này là minh chứng cho sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Tuy nhiên, hàng nhập lậu và hàng giả vẫn tiếp tục được bày bán rộng rãi, gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng từ các sản phẩm nguy hiểm và không được kiểm soát, đồng thời khiến Việt Nam thất thu thuế rất lớn mỗi năm.

Giải thích về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với diễn biến hết sức phức tạp cả về quy mô và tính chất, gây thất thu ngân sách, thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính và gây hoang mang, mất lòng tin cho người tiêu dùng. 

 

Để hạn chế những vấn đề này, ông Clarke Adrian, Quản lý Đối ngoại của JTI Việt Nam cho rằng cần phải tăng cường giáo dục hiệu quả các nhà bán lẻ và người tiêu dùng về hậu quả của việc bán và mua các sản phẩm bất hợp pháp, và việc giáo dục nên là một phần của giải pháp. Các chiến dịch giáo dục rất quan trọng để đảm bảo rằng các nhà bán lẻ có thể xác định các sản phẩm bất hợp pháp, hiểu các quy định cấm bán chúng và các hình phạt mà họ sẽ phải đối mặt nếu bị phát hiện. Người tiêu dùng cũng nên được hiểu biết về các hình phạt mà họ sẽ phải đối mặt khi sử dụng các sản phẩm bất hợp pháp cũng như tác động đối với sức khỏe và xã hội.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, ông Vũ Văn Trung cũng bày tỏ, cần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, cần có những hành động mạnh mẽ hơn từ các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu, buôn bán hàng giả và gian lận thương mại.

PV