Sách giáo khoa: Cần có giá bán tối đa và tối thiểu

(SHTT) - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, chiều 11/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường dự án Luật Giá (sửa đổi). Trong đó, giá sách giáo khoa được bàn luận sôi nổi nhất,

Tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi), sách giáo khoa lần đầu tiên được đưa vào danh mục Nhà nước định giá, kiểm soát giá.

 Theo đó, Nhà nước sẽ quy định giá bán tối đa (giá trần), không ấn định giá để các đơn vị phát hành sách quyết định giá bán. Việc này nhằm tạo tính cạnh tranh, góp phần hạ giá bán sách giáo khoa và bảo đảm lợi ích người dân.

Thảo luận về việc này chiều 11/11, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cho rằng, sách giáo khoa là mặt hàng có phạm vi ảnh hưởng rộng, tác động trực tiếp đến mọi người dân nên Nhà nước cần điều tiết giá hợp lý.

 

“Nhà nước quy định khung giá tối đa, để các đơn vị phát hành sách tự định giá là hợp lý nhất” - ông Hoà nêu quan điểm.

 Tuy nhiên, theo ông, cũng cần tính đến yếu tố thị trường của các nhà xuất bản, cạnh tranh để sách giáo khoa có giá hợp lý nhất.

“Chúng ta không thể chấp nhận năm nào cũng có phản ánh về giá, thiếu sách giáo khoa. Người có tiền cũng chưa chắc đã mua được sách, người có thu nhập thấp dĩ nhiên là không mua được” – ông Hòa lưu ý và cho rằng, cần có sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước để không còn tình trạng năm nào cũng thiếu sách giáo khoa.

Theo đại biểu của Đồng Tháp, cần có quy định để sách giáo khoa sử dụng trong nhiều năm, “chứ dùng một năm rồi lại bỏ, rất lãng phí nguồn lực xã hội".

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) lo ngại việc dự thảo luật chỉ quy định giá tối đa, không quy định giá tối thiểu sẽ dẫn đến nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh. Bà đề nghị quy định khung giá, gồm giá tối đa và tối thiểu để không ảnh hưởng nhiều đến thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK và chống độc quyền trong lĩnh vực này.

Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá ý kiến của ĐB Thúy “rất hay”. “Trong tư duy chúng ta luôn nghĩ đến chuyện làm thế nào để quy định mức giá không cao nhưng chúng ta lại chưa nghĩ đến làm thế nào để ngăn chặn được giá quá thấp... Đây cũng là một vấn đề đặt ra trong Luật Giá. Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến này” - Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.

“Khi các doanh nghiệp có tiềm năng muốn thâu tóm thị trường thì dùng biện pháp hay nói cách khác là dùng thủ đoạn đại hạ giá để đánh bật các đối thủ khác, tạo nên một lợi nhuận độc quyền” - ông Phớc phân tích.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, người đứng đầu Bộ Tài chính nhận định, đây cũng là một vấn đề đặt ra trong Luật Giá.

Thanh Trà