Du lịch Cổ Loa Thành: Thăm đền thờ An Dương Vương

(SHTT) - Đền An Dương Vương nay thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội. Tương truyền, đền thờ An Dương Vương được xây trên nền nội cung của kinh đô Âu Lạc ngày trước. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, đền thờ An Dương Vương vẫn là điểm đến không thể bỏ qua của khách thập phương.

  Cổng vào đền thờ An Dương Vương

Đền thờ An Dương Vương còn được gọi là đền Thượng hay đền vua Thục tọa lạc ở góc Đông Nam thành Nội, có diện tích 6.295m2. Phía trước đền có 1 hồ lớn, ở giữa có giếng Ngọc, tương truyền những viên ngọc trai – tạo nên bởi máu của công chúa Mỵ Châu đổ xuống biển mà được rửa bằng nước giếng sẽ sáng đẹp lạ thường. Đền quay hướng Nam với các kiến trúc theo trục Nam Bắc, cốt nền cao dần lên, bao gồm: 3 cây hương đá, Nghi môn ngoại, Nghi môn nội, Tả hữu mạc, Nhà bia, Tiền đường, Phượng Đình, Trung đường, Hậu cung.

Sau tam quan là khu đền chính nằm trên nền đất cao. Phía trước là tòa nhà tiền đường, hai bên có hai cổng nhỏ 

Đền An Dương Vương được khởi dựng vào cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, tuy nhiên các kiến trúc còn lại đến ngày nay là kết quả của lần trùng tu vào cuối thế kỷ XIX. Đền vẫn giữ được 1 số di vật có niên đại sớm như Bia đá làm năm 1715, thành bậc rồng được xây dựng năm 1732, cây hương đá dựng năm 1736.

 Thượng điện của đền - Các công trình chính của đền là tam quan, nhà tiền đường, thượng điện, nhà bia và hai chiếc giếng cổ. Các đường nét kiến trúc của đền toát lên nét rêu phong, cổ kính. 

Đền đã được công nhận là Di tích lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia năm 1962 theo Quyết định số 313-VH/VP ngày 28/04/1962, xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2012 theo Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 27/9/2012.

Nhà Bia trong đền thờ An Dương Vương 

Quanh những di tích này, xưa kia dân làng mở hội để tưởng nhớ An Dương Vương và những sự tích xung quanh ông. Khu di tích lịch sử này nổi tiếng từ lâu đời, thu hút lớp lớp người nhiều thế hệ đến đây, như ca dao xưa truyền lại:

Ai về qua huyện Đông Anh

Ghé thăm phong cảnh Loa thành Thục Vương

Cổ Loa thành cũ khác thường

Trải bao năm tháng dấu thành còn ghi.

Thành bậc rồng được xây dựng năm 1732 

Từ lâu trong dân gian đã lưu truyền câu: “Chết thì bỏ con bỏ cháu, sống thì không bỏ mồng 6 tháng Giêng” để nói lên sự hấp dẫn của lễ hội Cổ Loa. Xưa, hội bắt đầu từ ngày mồng 6 đến hết ngày 18 tháng Giêng. Tương truyền ngày mồng 6 tháng Giêng là ngày Thục Phán nhập cung và ngày mồng 9 tháng Giêng là ngày ông lên ngôi, khao toàn bộ binh sĩ. Cho nên để nhớ ngày long trọng ấy, dân Cổ Loa cùng tám xã hộ nhi rước kiệu mở hội đông vui cả một vùng. 

Cũng từ lâu, các triều đại phong kiến hết sức chú ý giúp dân địa phương chăm lo hương khói tại đền. Chỉ dụ lâu đời nhất đề niên hiệu Lê Thần Đức (1614) còn ghi: Cấp cho xã Cổ Loa năm mươi mẫu ruộng tế điền miễn thuế để trông coi đền miếu. Các đời vua Vĩnh Tộ (1620), Phúc Thái (1649), Cảnh Trị (1673), Vĩnh Thịnh (1708), Long Đức (1735), Vĩnh Hựu (1793) đều có chỉ dụ nhắc lại.

Nhà tiền đường nhìn từ cổng Tam quan 
Ngắm Cổng Tam quan qua cánh cửa Tiền đường
Mặt trong cổng tam quan 
Bàn thờ An Dương Vương 

Bắc Hiệp - Quang Huyên - Dương Ngọc Thái