Cận cảnh sáng chế giường bệnh công nghệ của học sinh quê Tháp Mười

(SHTT) - Nhằm đóng góp một phần nhỏ sức mạnh trong công cuộc chống lại đại dịch Covid-19, nhóm học sinh THPT Trường Xuân, Đồng Tháp đã hỗ trợ tiền tuyến bằng cách sáng chế giường bệnh công nghệ để giúp đỡ cuộc chiến chống lại đại dịch.

Khi chứng kiến sự vất vả của y bác sĩ trong dịch Covid-19, ý tưởng về chiếc giường bệnh công nghệ đã đến với Quang Vinh, Hạnh An - lớp 10 THPT Trường Xuân.

Nguyễn Quang Vinh có thế mạnh về công nghệ thông tin và Phan Nguyễn Hạnh An giỏi thuyết trình, lên ý tưởng để chế tạo giường bệnh tích hợp nhiều tính năng hỗ trợ bệnh nhân, giảm công việc cho y bác sĩ. Dự án của cả hai đoạt giải nhất cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh và giải nhì cuộc thi tương tự cấp quốc gia.

Trong quá trình thực hiện, đôi bạn còn nhờ thầy Nguyễn Đức Vĩnh hướng dẫn thêm. Nhóm thầy trò quê Tháp Mười bắt đầu nghiên cứu về giường bệnh công nghệ từ tháng 8/2021 - lúc dịch bùng phát mạnh ở Đồng Tháp - và hoàn thành vào tháng 12 cùng năm.

 Cận cảnh sáng chế giường bệnh công nghệ của học sinh quê Tháp Mười

Được biết, chiếc giường gồm bộ điều khiển, với các cảm biến nhằm kiểm tra sức khỏe người nhiễm Covid-19 như thân nhiệt, nhịp tim, nồng độ oxy trong máu. Điều tiện lợi ở chiếc giường này là ở chỗ người bệnh chỉ cần đặt ngón tay, để trán gần vị trí quy định trên bộ điều khiển, các thông số sẽ hiển thị trong khoảng ba giây.

Qua đó phần mềm gồm thuật toán phân tích dữ liệu, đưa ra cảnh báo chính xác, đồng thời gửi thông tin đến bác sĩ nếu thấy bất thường, thông qua ứng dụng IoT. Tuy nhiên, ngược lại, nếu sức khoẻ ổn định, hệ thống sẽ tự động gửi tin nhắn thông báo đến người nhà.

Tuy nhiên, trong bệnh viện, các trường hợp khẩn cấp, nguy kịch là không thể tránh khỏi.

Để giải quyết vấn đề này, giường bệnh cũng có tính năng thông báo khẩn cấp cho y bác sĩ túc trực nếu như tình trạng bệnh nhân chuyển biến xấu. Trong khi chờ bác sĩ, chiếc giường cũng có hệ thống bóp bóng tạo oxy tự động, nâng giường bệnh tự động để hỗ trợ bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch.

Ngoài ra, trong các trường hợp bình thường, bệnh nhân cũng có thể chủ động liên hệ với bác sĩ thông qua một camera đàm thoại được tích hợp trên giường bệnh.

Hạnh An kể, thông qua khảo sát nhóm nhận thấy tâm lý chung của bệnh nhân là mong muốn được theo dõi sức khỏe thường xuyên, chăm sóc, hỗ trợ kịp thời khi có vấn đề sức khỏe. Do đó, những ứng dụng này vừa giúp giảm áp lực công việc cho đội ngũ y bác sĩ trong điều kiện quá tải; vừa giúp người bệnh, thân nhân yên tâm hơn.

Theo nhóm nghiên cứu, các thiết bị công nghệ hầu như có sẵn trên thị trường, việc còn lại là tích hợp chúng với nhau và viết mã code (lệnh) cho bộ xử lý. Những kiến thức này, Vinh và An tìm tòi thông qua sách chuyên ngành, diễn đàn trực tuyến, các video hướng dẫn trên Internet và đã trải qua hàng chục lần thực nghiệm, thất bại.

Khi chiếc giường hoàn thành, cả nhóm mang đến trạm y tế xã để vận hành và nhận thêm góp ý. Hạnh An kể, ban đầu nhiều người khá ngạc nhiên với ý tưởng của các em, song khi chứng kiến chiếc giường vận hành các cô chú ở trạm y tế đều thích và đặt hàng thêm nhiều chức năng khác.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm, Vinh, An tranh thủ cùng thầy Vĩnh bàn bạc cải tiến sản phẩm như thay các cảm biến thường bằng thiết bị chất lượng tốt hơn, tích hợp bộ phát wifi để chủ động ở những nơi chưa có...

Thầy Nguyễn Đức Vĩnh cho biết thầy và nhà trường đánh giá cao ý tưởng của hai em, đặc biệt ở khía cạnh nhân văn. Hơn nữa việc đưa ra ý tưởng và đeo đuổi đến cùng cũng rèn cho các em tính kiên trì, ham học hỏi.

Minh Tú